Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa các hình thức bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

13:31, 28/02/2022

Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ngành y tế Đắk Lắk luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bác sĩ CKII NAY PHI LA, Giám đốc Sở Y tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk xoay quanh nội dung này.

Bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế

*Thưa ông, thời gian qua, ngành y tế Đắk Lắk đã xây dựng chiến lược phát triển như thế nào để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân?

Ngành y tế tỉnh đã tập trung phát triển đồng bộ bốn khâu đột phá là cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và công nghệ. Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư khá tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao được thu hút, đào tạo, đào tạo lại liên tục, y tế Đắk Lắk cũng chú trọng đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại để áp dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn và quản lý các hoạt động. Đồng thời tham gia sớm và hiệu quả vào Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh.

Với những nỗ lực của toàn ngành, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Y tế tuyến tỉnh phát triển nhanh, mạnh, chuyên sâu; y tế huyện, xã đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ bản. Hệ thống khám chữa bệnh đã đáp ứng tốt công tác thường trực cấp cứu, điều trị bệnh nhân, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao. Ngành y tế cũng đã tăng cường giáo dục y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ tại chỗ, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

*Việc tham gia sớm vào các Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Tham gia các đề án này, ngành y tế Đắk Lắk đã tiếp đón hàng trăm lượt các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên toàn tỉnh như: xét nghiệm phát hiện ung thư sớm; xét nghiệp hỗ trợ sinh sản, tế bào, lọc rửa tinh trùng; cấp cứu sản phụ khoa, hồi sức sơ sinh; xử trí sản bệnh lý; phẫu thuật nội soi; can thiệp tim mạch; y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị ung thư; lọc máu liên tục; chuyển giao xạ trị; xét nghiệm sinh học phân tử…

Thông qua Đề án 1816, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã tích cực cử bác sĩ về chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, góp phần nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở tuyến y tế gần dân nhất.

*Trong 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, song Đắk Lắk đã kiểm soát tốt dịch bệnh và hoàn thành “mục tiêu kép”. Là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế đã thực hiện những giải pháp nào để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân?

Sở Y tế đã phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện triệt để, kiên định với biện pháp chống dịch xuyên suốt các giai đoạn là “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để  - điều trị hiệu quả” kết hợp với phương châm “bốn tại chỗ”. Nâng cấp chiến lược trong phòng, chống dịch, thực hiện chủ động, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chuyển trạng thái từ “bao vây, khoanh vùng, đón đầu và đánh chặn” sang tự kiểm soát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình.

Đồng thời có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, bảo đảm sự ổn định căn bản, lâu dài về việc làm và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường thiết lập, triển khai các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; tổ chức thực hiện mô hình cơ sở y tế tách đôi “vừa điều trị thường quy vừa điều trị bệnh nhân COVID-19”, đảm bảo đáp ứng điều trị COVID-19 và duy trì hoạt động khám chữa bệnh thông thường cho người dân; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, hướng dẫn các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; nâng cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh đến toàn thể người dân.

Một ca đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

*Ông có thể chia sẻ thêm về những định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn?

Mục tiêu trọng tâm là tiếp tục củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch và dự phòng bệnh. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đảm bảo triển khai tốt các dịch vụ y tế theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật cho y tế cơ sở.

Để hoàn thành mục tiêu này toàn ngành sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và đội ngũ cán bộ y tế cho hệ thống các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, xây dựng chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, có chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân, đa dạng hóa các hình thức bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân…

*Trân trọng cảm ơn ông!            

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.