Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh viêm xoang khi giao mùa

13:17, 28/02/2022

Thời tiết thay đổi đột ngột khi giao mùa là điều kiện làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm xoang.

Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến chiếm tỷ lệ 2 - 5% dân số và có xu hướng ngày càng tăng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, là căn bệnh dễ mắc phải nhưng khó chữa, nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Tại khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên bình quân mỗi ngày khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 100 người, trong đó bệnh nhân viêm xoang chiếm khoảng 1/3. Một trong những bệnh nhân đến khám tại đây là anh Nguyễn Văn Tâm (trú khối 6, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) mắc viêm xoang từ 3 năm trước, do đặc thù công việc phải làm trong môi trường lạnh (kho đông lạnh) nên bệnh thường xuyên tái phát.

Anh Tâm cho biết, lúc đầu anh chỉ thấy triệu chứng đau đầu, sau dần là mất vị giác rồi đến ngạt mũi, chảy nước mũi, cứ mua thuốc kháng sinh về uống được thời gian lại tái phát.

Khi có nghi ngờ mắc viêm xoang, người bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời. Ảnh: Đình Thi

Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm xoang có hai dạng là viêm xoang cấp và viêm xoang mạn tính. Viêm xoang cấp có biểu hiện sốt, môi khô lưỡi bẩn, đau nhức vùng sọ mặt tương ứng với xoang bị viêm như mặt trước má, trán, vùng sau gáy, ngạt tắc mũi tăng dần, chảy nước mũi đục rồi chuyển thành vàng xanh, giảm khả năng ngửi.

Viêm xoang mạn tính là do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần không được điều trị hoặc điều trị chưa triệt để. Biểu hiện của viêm xoang mạn tính là chảy mũi một hoặc hai bên, dịch mũi ngày một đặc hơn, có màu vàng xanh, mùi hôi, ngạt tắc mũi tăng dần tới ngạt mũi hoàn toàn, ngửi kém từng lúc hoặc mất mùi, đau đầu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người viêm xoang phải đi khám bệnh.

Bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính hay khịt khạc, ho khan, ngứa họng... Vì vậy, khi có những dấu hiệu trên, tốt nhất người bệnh nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám, tư vấn, chỉ định điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Võ Nguyễn Hoài Khôi (khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), nếu để ý thì các triệu chứng của bệnh viêm xoang dễ quan sát, nhận biết như: Mệt mỏi, sốt nhẹ, cũng có trường hợp sốt cao. Ðau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Ðau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn theo nhịp mạch đập. Ấn thấy đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ vào khoảng thời gian nhất định trong ngày (khoảng từ 8 giờ tới 11 giờ).

Bên cạnh đó, bệnh nhân thường thấy ngạt, tắc mũi. Tùy theo tình trạng viêm mà tắc một hay cả hai bên, mức độ nhẹ hoặc vừa, từng lúc hay tắc liên tục gây mất khả năng khứu giác, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm. Chảy mũi đặc có thể có mủ lẫn máu.

Đeo khẩu trang là một trong những cách phòng bệnh viêm xoang. Ảnh: Đình Thi

Viêm xoang là bệnh lý không quá nguy hiểm hay đe dọa đến tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có khả năng gây ra một số biến chứng nguy hiểm, như: Viêm họng mạn tính, viêm tai giữa, viêm phế quản mạn tính, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, giãn phế nang, lao phổi hoặc cũng có thể bị viêm dây thần kinh thị giác và làm ảnh hưởng đến não. Bệnh sẽ không khỏi và không thuyên giảm nếu không được điều trị đúng phương pháp và có thể tái phát trở lại. Chính vì thế, người bệnh cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát.

Để phòng bệnh, cần rửa tay thường xuyên vì vi rút có thể sống lâu hơn trên các bề mặt mà bạn có nhiều khả năng sờ tay vào như tay nắm cửa, đồ dùng... Chích ngừa cúm hằng năm bằng cách tiêm ngừa cúm ngăn ngừa nhiễm trùng xoang. Có chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn. Giữ sức khỏe tốt sẽ giúp bảo vệ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhờ đó giảm nguy cơ bị các bệnh hô hấp, bao gồm cả nhiễm trùng xoang. Không hút thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp và xoang mũi, ngay cả khi không hút thuốc thì cũng nên tránh hít phải khói thuốc thụ động.

Bác sĩ Khôi khuyến cáo thêm, không nên lạm dụng kháng sinh vì không có tác dụng gì trong điều trị nhiễm vi rút, nếu lạm dụng kháng sinh có thể hình thành sự kháng thuốc và phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác. Sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch mũi mỗi ngày. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, cần mặc ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Đeo khẩu trang, vệ sinh họng, miệng hằng ngày, nên đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, súc họng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.