Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai

06:33, 11/09/2022

Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do vi rút Dengue, lây truyền qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa, việc phát hiện và đến cơ sở y tế sớm để được chăm sóc y tế đúng cách có thể giảm tỷ lệ tử vong. Riêng với phụ nữ mang thai, nếu bị sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi.

Khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu tạo cơ hội cho vi rút phát triển mạnh khiến thai phụ bị sốt xuất huyết nghiêm trọng. Ngoài ra, vi rút Dengue còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh. Một số biến chứng nguy hiểm xuất hiện trong thời gian mang thai và khi sinh do sốt xuất huyết gây ra, bao gồm: giảm tiểu cầu (có thể đe dọa tính mạng cho cả thai phụ và thai nhi); sinh non, trẻ nhẹ cân (tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng); sảy thai (khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai); xuất huyết (nếu mẹ bầu bị nhiễm vi rút sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao); tiền sản giật khi mang thai…

Lật úp các vật dụng chứa nước quanh nhà để hạn chế nơi sinh sản của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Đình Thi

Các bác sĩ chuyên khoa cho hay: biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như các bệnh nhân khác. Triệu chứng khá giống với cảm cúm, biểu hiện thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, liên tục, khó hạ sốt, kéo dài từ 2 - 7 ngày, kèm theo đau đầu, sau đó nổi ban và có dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da. Khi sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, vật vã. Nặng hơn sẽ có biểu hiện choáng, mạch nhanh, tụt huyết áp. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3 - 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, thai phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị phù hợp. Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Uống thật nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C. Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng. Cùng với đó, mặc thoáng mát, nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại. Nếu gần ngày dự sinh, nên chọn sinh tại các bệnh viện có khả năng xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong và sau sinh cho mẹ và bé. Tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế. Trường hợp thai phụ đang tự theo dõi tại nhà và có một trong các dấu hiệu bệnh nặng, như đau bụng dữ dội hoặc đau cơ; nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần trong 1 giờ); chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng; nôn ra máu hoặc có máu trong phân; thở nhanh, khó thở; cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ… nên đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời. Các phương pháp điều trị tự nhiên cũng có thể được thử để hạ sốt và tăng cường khả năng miễn dịch như chườm bằng vải lạnh, uống nhiều chất lỏng như nước dừa, oresol, nước trái cây, thức ăn nấu với nước uống sạch.

Các bà mẹ nếu có tiếp xúc với người sốt xuất huyết ở thời điểm vài ngày trước ngày dự sinh hoặc ngay sau khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ vì họ là những người có nguy cơ cao nhất. Trẻ sơ sinh có mẹ được chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết giai đoạn trước sinh hoặc khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ sau khi ra đời để hạn chế nguy cơ lây truyền.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.