Multimedia Đọc Báo in

Bệnh đái tháo đường type 2 và những biến chứng nguy hiểm

08:11, 28/10/2022

Bệnh đái tháo đường là bệnh lý có tỷ lệ tử vong đứng thứ ba thế giới (chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm khiến bệnh nhân có thể bị tàn tật và đối mặt với những hậu quả khó lường về sức khỏe và tính mạng.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết. Căn bệnh này đang trở nên phố biến với số lượng bệnh nhân ngày một gia tăng. Việt Nam thuộc nhóm nước có số người bệnh tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người trẻ. Đáng chú ý, dù là bệnh có số người mắc rất lớn nhưng 70% người mắc ĐTĐ ở nước ta không biết mình bị bệnh do bệnh tiến triển hết sức âm thầm.

Tại Đắk Lắk, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 26.269 bệnh nhân mắc ĐTĐ đang được quản lý điều trị, trong đó tuyến tỉnh đang điều trị 11.131 bệnh nhân, tuyến huyện 12.748 bệnh nhân và các trạm y tế điều trị 2.390 bệnh nhân. Đồng thời, qua thống kê cho thấy, do không được điều trị kịp thời, trên 50% bệnh nhân ĐTĐ type 2 đến bệnh viện khi đã có nhiều biến chứng hết sức nặng nề.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân mắc ĐTĐ dẫn đến các biến chứng tim mạch, huyết áp, thận nhập viện điều trị ngày một gia tăng, trong đó có không ít bệnh nhân bị biến chứng suy thận phải lọc máu suốt đời. Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nhân T.T.L.H. (ở phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), khoảng 20 năm trước bà thường có biểu hiện mệt mỏi, đi tiểu nhiều và rất khát nước, khi đi khám bệnh thì phát hiện mắc ĐTĐ. Sau đó 10 năm, mắt bà bắt đầu mờ dần, mỗi tháng đều phải đi điều trị định kỳ 1 lần. Hai năm trở lại đây, bà H. bị biến chứng sang thận, suốt 6 tháng qua thường xuyên phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Bà H. chia sẻ: “Bệnh tật khiến cơ thể tôi lúc nào cũng mệt mỏi, nôn ói, không ăn uống và cũng không làm được gì, ngay cả việc chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân tôi cũng không có sức lực để làm, phải nhờ hết vào con cháu”.

Một bệnh nhân mắc đái tháo đường điều trị tại cơ sở y tế.

Hay như trường hợp của bệnh nhân H.B.N. (trú huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), mắc bệnh ĐTĐ khoảng 10 năm cũng là chừng đó thời gian sức khỏe bà giảm sút do các biến chứng của bệnh gây ra. Mặc dù đã đi chữa trị ở nhiều nơi, nhưng bệnh tình của bà N. vẫn ngày một nặng. Do biến chứng của ĐTĐ, mắt bà bị mờ, nhìn không rõ nên đã phải phẫu thuật thay thủy tinh thể. Mắt vừa hồi phục thì mới đây ngón chân cái của bà N. lại mọc những nốt mụn nước nhỏ và chỉ trong ít ngày vết loét lan rộng ra cả bàn chân, có hiện tượng mưng mủ và hoại tử.

 

Mặc dù ĐTĐ chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cùng với điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, người bệnh ĐTĐ không được tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác hoặc dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ để uống thay thế thuốc kiểm soát đường máu.

Theo bác sĩ Nguyễn Hạnh My, giảng viên khoa Y dược, Trường Đại học Tây Nguyên, ĐTĐ được chia làm 2 type. Đối với ĐTĐ type 1, khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng rất rõ rệt do thiếu hụt tuyệt đối hóc môn insulin nên người bệnh thường đi tiểu nhiều, tiểu đêm và uống nhiều nước. Đối với ĐTĐ type 2, các triệu chứng diễn tiến âm thầm trong thời gian dài và chỉ phát hiện khi xuất hiện các biến chứng: vết thương lâu lành, các biến chứng về thận, thần kinh… Bản chất của bệnh ĐTĐ là rối loạn chuyển hóa gluxit nhưng nó kéo theo hàng loạt các rối loạn chuyển hóa khác, từ đó sẽ gây ra các biến chứng trên toàn bộ cơ thể người mắc bệnh như: biến chứng mạch máu não gây đột quỵ xuất huyết não, nhồi máu não; biến chứng ở mạch vành gây nhồi máu cơ tim; biến chứng tại các động mạch chi dưới gây tắc động mạch dẫn đến hoại tử; các biến chứng ở thận gây suy thận và phải lọc máu định kỳ; các biến chứng âm thầm về mắt gây đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc dẫn đến mù mắt…

Cũng theo bác sĩ My, điều đáng lo ngại hiện nay là các bệnh nhân ĐTĐ đang có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, tiêu chuẩn để nghĩ tới ĐTĐ type 2 thường ở những bệnh nhân trên 40 tuổi. Nhưng những năm gần đây, ĐTĐ type 2 đang trẻ hóa rất nhiều, đã có không ít khuyến cáo nên nghĩ tới ĐTĐ type 2 đối với những người từ 35 tuổi trở lên. Nguyên nhân chính khiến bệnh tăng nhanh do thói quen ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, ít rau xanh, lười vận động, hút thuốc lá và uống nhiều rượu, bia...

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.