Multimedia Đọc Báo in

Tầm soát để phát hiện và điều trị sớm bệnh lao tiềm ẩn

06:10, 24/09/2023

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 170.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm trung bình cho 10 - 15 người khác. Vì vậy, việc chủ động tầm soát để sớm phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn là giải pháp quan trọng nhằm giảm bớt gánh nặng cho người bệnh và xã hội.

Lao tiềm ẩn được xác định là tình trạng có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng chưa sinh trưởng và chưa hoạt động được do có sự khống chế của hệ thống miễn dịch. Những người bị nhiễm lao tiềm ẩn không có khả năng lây nhiễm, không phát tán bệnh sang người khác, không có bằng chứng bệnh lao biểu hiện về mặt lâm sàng, người nhiễm vi trùng lao vẫn khỏe mạnh, lao động, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, sau này nếu sức đề kháng của cơ thể suy giảm, vi khuẩn lao có thể được kích hoạt và lao tiềm ẩn sẽ chuyển thành lao hoạt động. Do đó, việc tầm soát, phát hiện lao tiềm ẩn để tiến hành điều trị sớm cho bệnh nhân là việc làm hết sức quan trọng.

Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức tầm soát lao và lao tiềm ẩn cho người dân tại cộng đồng. Ảnh: Đ. Thi

Em T.N.H.A. (trú huyện Ea H’leo) bị mắc bệnh hen nên việc phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp là hết sức quan trọng. Hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh lao, đề phòng mắc lao tiềm ẩn nên khi thấy mệt mỏi, xuất hiện các triệu chứng bất thường, T.N.H.A. đã chủ động đến khám tại Bệnh viện Phổi tỉnh để được hướng dẫn và tư vấn. T.N.H.A. chia sẻ: “Em biết nhiều người trong cộng đồng có thể mắc lao tiềm ẩn, bản thân họ đã mang vi khuẩn lao trong cơ thể, chỉ là chưa phát bệnh mà thôi. Vì sức khỏe của em không tốt nên em rất lo lắng liệu có thể rằng mình mắc lao tiềm ẩn hay không nên em chủ động đi khám để yên tâm. Nếu chẳng may phát hiện bệnh thì sẽ điều trị sớm để có kết quả tốt nhất”. Cũng đi tầm soát lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, bà T.T.B. (trú huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho hay, cách đây 3 năm bà bị viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị dài ngày, sau lần đó, sức khỏe bà suy giảm nhiều. Thời gian gần đây, bà liên tục đau tức ngực, ho, sốt, đờm nhiều ứ lên cổ gây khó thở. Bà đến Trung tâm Y tế huyện khám và làm các xét nghiệm bệnh lao thì kết quả âm tính. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên bà nên lên bệnh viện tuyến trên làm xét nghiệm với kỹ thuật cao hơn để tầm soát xem có mắc lao tiềm ẩn hay không.

Theo bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, được sự tài trợ của Quỹ Toàn cầu, Đắk Lắk là một trong những tỉnh được Chương trình Phòng, chống lao quốc gia lựa chọn để triển khai công tác tầm soát bệnh lao trong cộng đồng. Mặc dù chỉ mới triển khai tầm soát tại 8/15 huyện, thị xã, thành phố và mới triển khai trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (F1) như những người trong gia đình có bệnh nhân mắc bệnh lao, cán bộ y tế và các cán bộ, nhân viên làm việc tại các trại giam, trung tâm bảo trợ xã hội nhưng kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc lao tiềm ẩn trong cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk khá cao, chiếm 17% trong tổng số các trường hợp xét nghiệm tầm soát.

Cán bộ y tế tư vấn cho người bệnh về tầm quan trọng của việc tầm soát lao tiềm ẩn. Ảnh: Đ. Thi

Lao tiềm ẩn mặc dù trước mắt chưa gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người mắc bệnh, chưa thể gây lây nhiễm trong cộng đồng nhưng sự nguy hiểm của lao tiềm ẩn ở chỗ nếu không phát hiện, không chẩn đoán sớm và điều trị lao tiềm ẩn kịp thời thì một ngày nào đó, lao tiềm ẩn sẽ bùng phát trở thành bệnh lao hoạt động. Do đó, người dân cần tầm soát lao, nhất là các đối tượng nguy cơ cao, những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, người mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, đau dạ dày mãn tính, bệnh phổi mãn tính…

Bệnh lao tiềm ẩn nếu được phát hiện, điều trị sớm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân bệnh nhân cũng như xã hội. Bản thân bệnh nhân sẽ đảm bảo sức khỏe vì quá trình điều trị ngắn, dễ dàng lại không tốn kém vì quá trình điều trị đã được tài trợ miễn phí.

Kim Oanh – Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.