Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc nâng cao sức khỏe người cao tuổi

08:42, 08/10/2023

Đắk Lắk đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, lây lan. Người cao tuổi (NCT) có sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc bệnh, do đó cần được chú trọng chăm sóc, nâng cao sức khỏe.

Khi tuổi càng cao, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, hệ thống miễn dịch cũng suy giảm nên NCT dễ mắc bệnh, khả năng hồi phục sức khỏe kém. Các bệnh mạn tính thường gặp ở NCT như tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, mỡ máu cao, ung thư, hen phế quản, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ…

Phần lớn NCT chỉ bắt đầu điều trị khi bệnh đã biểu hiện rõ rệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày; khi đó, cơ thể xuất hiện nhiều bệnh lý, hệ miễn dịch suy yếu khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn.

Như trường hợp ông Nguyễn Văn Mười (trú huyện Cư Kuin) đang được điều trị vật lý trị liệu sau đột quỵ tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Năm nay đã 70 tuổi, ông vốn mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên sức khỏe suy yếu nhanh.

Cách đây 1 tháng, khi đang ngồi xem ti vi, ông Mười đột nhiên thấy chóng mặt và bị ngã. Được đưa đi cấp cứu kịp thời, ông may mắn qua cơn nguy kịch nhưng bệnh để lại nhiều di chứng, đi lại vận động khó khăn nên phải điều trị vật lý trị liệu cùng các bài tập phục hồi chức năng

Người cao tuổi nên thường xuyên vận động, tập các bài thể dục như đi bộ, dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe. Ảnh: Đình Thi

Bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu (Bệnh viện Y học cổ truyền) khuyến cáo, việc chú trọng, chủ động phòng bệnh cho NCT là việc làm hết sức quan trọng. Đối với chế độ dinh dưỡng, NCT cần ăn uống cân đối đủ dưỡng chất (gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), nên ăn các thức ăn thực vật như: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, hạn chế ăn mỡ động vật, thay vào đó là thịt nạc, cá, tôm... giúp đề phòng các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, khi ăn, cần ăn chậm nhai kỹ thức ăn. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món rán nướng. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với sức nhai và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.

Ở NCT thường có sự giảm dần về sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng của cơ, xương, cơ tim. Lối sống tĩnh tại, ít vận động càng làm cho sự suy giảm này diễn ra nhanh hơn và làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.

Vì vậy, luyện tập thể lực đều đặn làm tăng cường sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện về mặt tâm lý. Chế độ luyện tập của NCT nên thực hiện đều đặn từ 3 – 5 ngày một tuần, mỗi lần khoảng 20 – 60 phút; mức độ luyện tập phù hợp với thể trạng.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Liễu, hiện nay có rất nhiều phương pháp để luyện tập, NCT nên chọn một phương pháp mà mình thích nhất, dễ thực hiện và phù hợp với sức khỏe của bản thân như: đi bộ, tập khí công, dưỡng sinh… Đặc biệt là không nên hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm, điều trị kịp thời đạt hiệu quả cao.

Kim Oanh – Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.