Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt và phù hợp chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 (kỳ 1)

06:55, 17/08/2021

Học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh thành phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh, hiện nay ngành y tế tỉnh đang tập trung triển khai công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng”, nhằm giảm tối đa số ca chuyển biến nặng và tử vong.

 Mở rộng hệ thống điều trị

 Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn sự lây lan rộng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh (BCĐ) đã tiên lượng và chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Liên tục gia tăng số ca bệnh

Đợt dịch thứ tư bùng phát trong nước từ ngày 27-4 ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Delta với khả năng chu kỳ lây nhiễm nhanh và mạnh gấp nhiều lần, khiến dịch lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố với nhiều ổ dịch và nhiều hình thái lây nhiễm mới. 

Trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng.

Tại Đắk Lắk, theo báo cáo của BCĐ, tính từ ca bệnh đầu tiên ghi nhận trong đợt dịch thứ tư (ngày 8-5) tại TP. Buôn Ma Thuột, đến chiều 16-8 toàn tỉnh đã có 527 trường hợp mắc COVID-19. Số ca bệnh được ghi nhận tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây có diễn biến dịch tễ phức tạp, đặc biệt đã xuất hiện một số trường hợp bệnh chuyển nặng và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Điều này đặt ra không ít thách thức cho công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, nhất là đối với những bệnh nhân nặng trong điều kiện tỉnh còn thiếu nhiều trang thiết bị y tế hiện đại và đặc biệt là thiếu đội ngũ bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm cao. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực cho công tác này, nhằm thiết lập các cơ sở điều trị đảm bảo những điều kiện cần thiết để phục vụ người bệnh.

Hình thành nhiều cơ sở điều trị COVID-19

 

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đặt tại khu vực riêng biệt, hoàn toàn biệt lập với khu vực điều trị các bệnh thông thường. Các bệnh nhân COVID-19 sẽ được đưa đón vào khu vực điều trị bằng lối đi riêng, có hệ thống khép kín bảo đảm an toàn nhất. Do đó, các bệnh nhân khi tới khám, điều trị các bệnh thông thường hoàn toàn có thể yên tâm, tuyệt đối không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện”.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên Nguyễn Đại Phong

 

Trước diễn biến khó lường của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh, ngành y tế đã chủ động, linh hoạt trong việc triển khai các cơ sở điều trị COVID-19.

Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, để đáp ứng yêu cầu điều trị cho số bệnh nhân trên địa bàn, từ một cơ sở điều trị ban đầu là Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh với quy mô 100 giường bệnh, hiện toàn tỉnh đã có thêm 3 cơ sở điều trị COVID-19 khác là Trung tâm Y tế huyện Krông Búk quy mô 100 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 quy mô 200 giường bệnh, Bệnh viện Dã chiến số 1 quy mô 1.000 giường bệnh. Song, cả 4 cơ sở này hầu hết mới chỉ đáp ứng điều trị bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, một số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh có dấu hiệu chuyển nặng, đặc biệt đã có 2 trường hợp tử vong; ngành y tế đã phải điều động nhân lực từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sang hỗ trợ điều trị.

Chủ động ứng phó, ngành y tế đang khẩn trương thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại, vừa góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị COVID-19, vừa giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân COVID-19 nặng.

Phòng điều trị áp lực âm tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được trang bị đầy đủ máy móc để tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên Nguyễn Đại Phong, bệnh viện đã tiến hành chuyển đổi công năng của Khoa Truyền nhiễm và một phần của Khoa Dinh dưỡng thành khu vực thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung, quy mô khoảng 150 giường bệnh. Tuy nhiên, chi phí đầu tư rất tốn kém, mỗi giường điều trị bệnh nặng phải có 1 máy thở, 1 máy monitoring theo dõi, 1 máy hút đờm, hệ thống oxy, khí nén và đi kèm nhiều hệ thống máy móc, trang thiết bị khác. Hiện tại, bệnh viện đã có 2 phòng điều trị áp lực âm và 20 giường bệnh được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng vào điều trị từ ngày 15-8. Số giường bệnh còn lại, Sở Y tế sẽ làm quy trình để bệnh viện hoàn thiện trong thời gian tới.

Được biết, để chủ động ứng phó với nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh, hiện Sở Y tế đang xây dựng phương án với cấp độ lớn hơn cho tình huống trên địa bàn có từ 1.000 - 10.000 ca bệnh. Trong đó có kế hoạch xây dựng thêm 7 bệnh viện dã chiến (quy mô 4.000 giường bệnh), trưng dụng thêm các bệnh viện tư nhân thành cơ sở điều trị COVID-19. Đối với vấn đề nguồn nhân lực, ngoài đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế hiện có, ngành y tế đã triển khai phương án huy động sinh viên chuyên ngành Y dược và kêu gọi các đội ngũ y bác sĩ đã về hưu cùng “chia lửa” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Kim Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.