Cách ly y tế tại nhà đối với F1: Chưa linh hoạt, thiếu thống nhất
Để thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh hiện nay, tại Công văn số 762/BYT-DP, ngày 21/2/2022, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới về cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần.
Theo đó, việc cách ly y tế đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID-19 (F1), cụ thể như sau: Những người đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
Những người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp được xác định là F1 bao gồm: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0; người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0; người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Người dân khai báo y tế trước khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. (Ảnh minh họa: Kim Hoàng) |
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính.
Có thể thấy quy định về cách ly y tế tại nhà đối với các đối tượng F1 đã rất rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên thực tế áp dụng ở các phường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện còn thiếu thống nhất, chưa đúng quy định. Chẳng hạn như trường hợp một đồng nghiệp của tôi ở phường Tân An có tiếp xúc trực tiếp (không đeo khẩu trang) cả ngày với F0, tuy nhiên khi liên hệ Trạm Y tế phường để khai báo y tế thì phường không yêu cầu chị cách ly theo quy định, mà chỉ đề nghị theo dõi sức khỏe tại nhà.
Do test nhanh âm tính, Trạm Y tế phường không yêu cầu cách ly nên chị vẫn tiếp tục đi làm và sinh hoạt bình thường. Hai ngày sau xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, chị làm xét nghiệm và phát hiện dương tính với COVID-19. Việc không thực hiện cách ly F1 theo đúng quy định đã khiến nhiều người tiếp xúc trực tiếp với chị trong thời gian phơi nhiễm trở thành F1. Các F1 này đều liên hệ trạm y tế phường nơi cư trú để khai báo y tế, tuy nhiên yêu cầu mỗi người nhận được là không giống nhau.
Các F1 cư trú tại các phường Tân Thành, Khánh Xuân, Tự An, khi liên hệ khai báo y tế được trạm y tế lấy mẫu xét nghiệm và cấp quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà trong vòng 5 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng. Trong khi đó, tôi là F1 cư trú tại phường Tân Lợi lại không được trạm lấy mẫu xét nghiệm và một ngày sau mới cấp quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà. F1 ở phường Tân An không được yêu cầu cách ly, cũng như không cấp quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà.
Trong khi đó, theo yêu cầu của một số cơ quan, đối tượng được xác định là F1 phải có quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, nếu không có quyết định thì vẫn phải đến cơ quan làm việc. Cũng đều là đối tượng F1, tuy nhiên người phải đến cơ quan làm việc, người thực hiện cách ly y tế tại nhà do không có quyết định áp dụng biện pháp cách ly, gây ra nhiều khó khăn, lúng túng cho công dân.
Và rõ ràng, việc áp dụng không đúng quy định và thiếu linh hoạt của một số cơ quan, tổ chức trong thực hiện cách ly y tế đối với F1 không chỉ gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay; gián tiếp làm gia tăng tỷ lệ người mắc COVID-19.
Phan Hiền
Ý kiến bạn đọc