Đừng để “ngộ thuốc” chữa COVID-19
Gần 2 năm qua, mọi người đều nhận được vô số kiến thức về cách phòng ngừa, điều trị F0 tại nhà. Thậm chí, trong chúng ta chắc chắn từng “tư vấn” cho bạn bè, người thân về cách điều trị như một… chuyên gia y tế. Cho đến một ngày, COVID-19 ập đến với bản thân và gia đình, bỗng dưng rơi vào lúng túng.
Gia đình tôi nằm trong trường hợp đó. Cả nhà dương tính mà không biết lây từ nguồn nào. Không hiểu sao, cả xóm đều đồng loạt là F0. An tâm phần nào khi đa số đều không trở bệnh nặng. Người lớn dăm ngày là hồi phục, trẻ em thì lướt qua bệnh nhanh hơn. Thậm chí, có người chẳng thấy triệu chứng gì, thành thử vấn đề tâm lý không xảy ra với mọi người.
Người dân mua kit test nhanh COVID-19 tại một nhà thuốc ở TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Đỗ Lan |
Nhưng chuyện dùng thuốc gì để chữa bệnh lại mỗi người mỗi phách. Cả xóm xôn xao mách nhau nên dùng thuốc này, thuốc kia. Ngay cả cách xông cũng mỗi người một kiểu. Tôi tin chắc người nào cũng thế, trừ đội ngũ chuyên môn. Nói thế bởi gần hai năm qua chúng ta “lạc” trong “rừng” kiến thức y học có được từ đủ các kênh, từ chính thống, các phương tiện truyền thông đến chuyên gia tư vấn các kiểu; từ thuốc tây đến các phương pháp chữa trị cổ truyền. Thỉnh thoảng, tôi còn nhận điện thoại của những người bán thuốc online, tư vấn rất nhiệt tình nên dùng các loại thuốc kháng vi rút và thực phẩm chức năng của họ để phòng ngừa, chữa trị COVID-19.
Đấy là điều rất nguy hiểm bởi nếu chữa trị không đúng cách, thuốc gì cũng mua về sử dụng rất dễ “tiền mất, tật mang”.
Cách chống dịch đã ở một trạng thái khác, khi số ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng, nhiều người nhiễm đã tự cách ly, chữa trị tại nhà. Nhưng chính điều đó dẫn đến bài toán khó: làm sao cách điều trị bệnh có sự đồng nhất tương đối, không phản khoa học?
Quan sát những người thân bị nhiễm COVID-19, tôi thấy đa số đều phục hồi rất nhanh. Việc chữa trị cũng không quá phức tạp, cầu kỳ như nỗi ám ảnh lâu nay. Tất cả đều nhờ đã được phủ vắc xin. Hiện nay, đa số người nhiễm COVID-19 đều ở thể nhẹ, do đó có thể tự theo dõi tại nhà. Mọi người nên bình tĩnh, làm theo tư vấn, chỉ dẫn của các y bác sĩ và điều quan trọng là tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường mới cần nhập viện để tránh quá tải cho các cơ sở y tế. Việc người bệnh quá lo lắng, tự mách nhau cách dùng thuốc hoặc “biến tấu” đơn thuốc do ngành y tế ban hành, không tuân thủ theo đúng chỉ định… có thể khiến việc điều trị trở nên phức tạp và dịch bệnh khó kiểm soát hơn.
Đặc biệt, cần tỉnh táo để tránh trở thành “con mồi” cho những kẻ đầu cơ thuốc chữa trị COVID-19 bất lương, dẫn đến bệnh nhẹ thành nặng, tốn tiền bạc và gây ra phiền muộn cho gia đình, xã hội.
Bởi thế, nếu bạn chẳng may nhiễm COVID-19, hãy là “những F0 thông thái” để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc