Multimedia Đọc Báo in

Những điểm bầu cử giữa rừng

08:22, 24/05/2021

Huyện Ea Súp là địa bàn có đông người dân di cư tự do đến sinh sống. Ủy ban bầu cử của huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để những cử tri này được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Huyện biên giới Ea Súp có 47.599 cử tri, trong đó có 2.301 cử tri là người tạm trú và di cư ngoài kế hoạch, tập trung ở các xã Cư M'lan: 843 người, Ea Lê: 576 người, Cư Kbang: 297 người, Ia R'vê: 172 người, thị trấn Ea Súp: 177 người, các xã còn lại là 236 người.

Băng qua đoạn đường rừng gồ ghề, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 296, xã Cư M'lan từ sớm, nhưng đã có nhiều cử tri tập trung trước điểm bầu cử là nhà của một người dân để chuẩn bị bỏ phiếu.

Đây là điểm bỏ phiếu thuộc Tổ bầu cử số 7, xã Cư M'lan, gồm 255 cử tri là người Mông di dư vào các Tiểu khu 293, 295 và 296. Tổ bầu cử đã sử dụng thùng phiếu phụ để bà con thực hiện quyền công dân của mình. Danh sách các ứng cử viên và cử tri được niêm yết trên tường, thân cây, nhưng vẫn bảo đảm các quy định. Nhiều cử tri sôi nổi trao đổi, phân tích về tiểu sử của các ứng cử viên, một số cử tri thì ngồi dưới gốc cây để viết phiếu bầu cử.

Cử tri Lý Văn Bia (Tiểu khu 296, xã Cư M'lan) cho biết, bà con ở đây đến bỏ phiếu từ rất sớm để về nhà lên rẫy. Do một số cử tri không rành tiếng phổ thông nên anh phải hỗ trợ trong việc tìm hiểu thông tin các ứng cử viên, cách thức bỏ phiếu. Đến 8 giờ 30, khoảng 50% bà con cử tri đã đi bầu cử.

 

Một điểm bầu cử vùng dân di cư tự do tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp.
Một điểm bầu cử vùng dân di cư tự do tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp.

 

Điểm bầu cử tại Trạm kiểm lâm số 11, Vườn Quốc gia Yok Đôn, thuộc Tổ bầu cử số 6, xã Cư M'lan cũng sử dụng thùng phiếu phụ để phục vụ việc bầu cử của cử tri. Khu vực bỏ phiếu này có 300 cử tri, chủ yếu là người dân sinh sống tại các Tiểu khu 286, 280 và 270, xã Cư M'lan.

Do dân trí ở đây còn hạn chế và một số vấn đề về an ninh trật tự nên điểm bầu cử này có sự hỗ trợ thêm của lực lượng quân đội, công an, biên phòng và cán bộ dân vận. Do đó, công tác bầu cử được triển khai suôn sẻ, đúng quy định.

Vừa tham gia bỏ phiếu xong, cử tri Lò Văn Sài cho biết, anh đã đến rất sớm để nghiên cứu kỹ hơn lý lịch các ứng cử viên trước khi bỏ phiếu. Anh được sự hỗ trợ tận tình của cán bộ tổ bầu cử, từ việc đo thân nhiệt đến cách thức bỏ phiếu theo quy định. Anh Sài hy vọng các ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sẽ có tiếng nói trong việc chăm lo đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

 

Điểm bầu cử tại Tiểu khu 296, xã Cư Mlan.
Điểm bầu cử tại Tiểu khu 296, xã Cư Mlan.

 

Ủy ban bầu cử huyện Ea Súp cho biết, do người dân di cư tự do sinh sống rải rác và hay có sự biến động nên các đơn vị bầu cử đã rà soát chặt chẽ để lập danh sách cử tri. Trước bầu cử, địa phương đã thực hiện nhiều đợt phát động quần chúng tại các tiểu khu có người di cư tự do sinh sống nhằm tuyên truyền cho người dân về quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại các địa bàn dân di cư tự do không thấp hơn bình quân toàn huyện.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.