Multimedia Đọc Báo in

Đã phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc tại Việt Nam

11:16, 13/08/2010

Trước thông tin các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo về một nhóm "siêu vi khuẩn" có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất đã lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh và có khả năng lan rộng trên phạm vi toàn cầu, chiều 12-8, ông Nguyễn Trung Cấp (Phó trưởng khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, tại Việt Nam đã có một nghiên cứu ở 16 bệnh viện cũng phát hiện vi khuẩn kháng thuốc nhóm Carbapenem tương tự vi khuẩn tìm thấy ở Ấn Độ nhưng mang gen kiểu khác.

Theo nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu phát hiện tần suất kháng thuốc nhóm carbapenem là 3,8% và có 1,2-2% chủng vi khuẩn gây bệnh đường ruột kháng thuốc nhóm Carbapenem. Theo bác sĩ Cấp, hiện tại nước ta chưa có nghiên cứu cụ thể để giải mã trình tự gen của các vi khuẩn kháng thuốc xem đó có phải là NDM-1 hay không, nhưng đã phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mang gen tương tự NDM-1. Có làm nghiên cứu này thì mới xác định được chính xác loại vi khuẩn kháng thuốc có phải là NDM-1 hay không. Còn các loại  vi khuẩn kháng thuốc mang gen tương tự NDM-1 như vi khuẩn mang gen IMP, VIM... cũng kháng thuốc họ Carbapenem đã được phát hiện tại Việt Nam. Ngoài ra còn một vài loại vi khuẩn tương tự có khả năng kháng tất cả loại kháng sinh cũng đã được tìm thấy tại Việt Nam, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Vì thế, để hạn chế việc vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, mọi người nên sử dụng kháng sinh một cách hợp lý: Chỉ dùng kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm vi khuẩn (không dùng kháng sinh để điều trị bệnh do virut gây ra); khi đã chỉ định được đúng loại kháng sinh cho từng bệnh cụ thể thì phải dùng đủ liều lượng và đủ thời gian. Nếu không tuân thủ thì bệnh không những không khỏi mà còn làm cho vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Cả bệnh nhân và bác sĩ phải luôn luôn đặt khâu vô trùng và tiệt trùng lên hàng đầu để hạn chế lây lan mầm bệnh, trong đó có vi khuẩn kháng thuốc.

K.O (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc