Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam dừng tiêm vắc-xin phòng cúm A/H1N1

19:03, 20/08/2010

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch cúm A/H1N1 đã chấm dứt trên toàn cầu, việc triển khai tiêm vắc xin phòng cúm A/H1N1 cho những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, cán bộ y tế, người mắc bệnh mạn tính tại Việt Nam cũng được bãi bỏ. Đó là thông tin được Bộ Y tế cho biết ngày 19-8.

Tuy nhiên, các giám sát sau đại dịch cúm A/H1N1 vẫn được thực hiện khi phát hiện chùm ca bệnh hô hấp nặng hoặc tử vong; đồng thời, vẫn tiến hành điều tra các trường hợp nặng hoặc bất thường, chùm ca bệnh hoặc vụ dịch để tạo điều kiện xác định nhanh chóng những thay đổi quan trọng trong dịch tễ học hoặc mức độ trầm trọng của cúm. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục duy trì việc giám sát các bệnh giống cúm và các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng.

WHO cho biết việc tiêm vắc-xin phòng bệnh vẫn được coi là một công cụ của việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong gây ra bởi virus cúm. Do đó, WHO khuyến cáo chỉ tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao ở những nước có sẵn vắc- xin cúm.

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện tại TP. Hồ Chí Minh vẫn xuất hiện trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nhưng đó là cúm mùa thông thường. Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu người mắc bệnh này. Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ ngày 21-5-2009 đến nay, cả nước ghi nhận 11.214 trường hợp mắc cúm A/H1N1, trong đó có 59 ca tử vong. Sau một thời gian dài không ghi nhận ca bệnh, từ ngày 19-7 trở lại đây, tại Đồng Nai, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh lại rải rác xuất hiện các ca bệnh cúm A/H1N1. Tuy nhiên, virus cúm A/H1N1 hiện đang lưu hành vẫn là chủng đã gây ra đại dịch năm 2009, chưa có sự biến đổi về kháng nguyên, độc lực, khả năng gây bệnh. Hiện tại, 15 điểm giám sát cúm trên cả nước vẫn tiếp tục được duy trì để phát hiện trường hợp biến đổi gen của virus gây bệnh.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.