Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn ở cơ sở?

10:07, 26/07/2011
Những năm qua, tổ chức Đoàn đã và đang đóng vai trò nòng cốt tích cực trong các hoạt động xã hội; phong trào Đoàn và công tác thanh niên không ngừng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy: hoạt động Đoàn ở một số cấp cơ sở vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém... Vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn đang là vấn đề được các cấp, ngành hữu quan và các cấp bộ đoàn quan tâm.

Thực trạng...
 
Theo thống kê toàn tỉnh có 556 cơ sở đoàn với 5.369 chi đoàn. Chất lượng sinh hoạt đoàn ngày càng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên; đổi mới về hình thức và nội dung; đi sâu vào tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết nhu cầu về văn hóa, giải trí, giao lưu, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm cho thanh niên... Các cơ sở đoàn ở nông thôn đã xuất hiện những mô hình như: CLB phát triển kinh tế, Đội xung kích an ninh, Đội thanh niên tình nguyện… Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở đoàn hoạt động mạnh, thì vẫn tồn tại không ít các cơ sở đoàn hoạt động cầm chừng, hạn chế. Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến hoạt động yếu kém của một số cơ sở đoàn phải kể đến số lượng đoàn viên, thanh niên không ổn định; trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ đoàn còn hạn chế; kinh phí hoạt động, phụ cấp lại thấp.
 
Đội ngũ cán bộ đoàn ở cấp cơ sở đóng một vai trò quan trọng trong việc tập hợp đoàn viên, thanh niên cũng như tổ chức thực hiện các chương trình, phong trào... Một “thủ lĩnh” thanh niên năng động, nhiệt tình, có năng lực là nhân tố thu hút, đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức. Từ đó, tạo ra nhiều hoạt động với các hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay tại một số cơ sở đoàn, nhất là khu vực các đoàn xã vùng sâu, vùng xa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ đoàn thấp, đặc biệt một số bí thư, phó bí thư đoàn xã chỉ mới học xong lớp 4, lớp 5 nên thiếu kỹ năng hoạt động, không nắm bắt thông tin kịp thời, phương pháp tiếp cận tâm lý thanh niên còn hạn chế… Bên cạnh sự yếu kém của một số cán bộ đoàn, phải kể đến công tác tập hợp thanh thiếu niên trên địa bàn các cơ sở đoàn còn nhiều bất cập. Không nghề nghiệp, thiếu việc làm, do đó số lượng đoàn viên, thanh niên ở các chi đoàn thường không ổn định vì phải đi làm ăn xa, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tổ chức đoàn. Theo Điều lệ Đoàn quy định, mỗi tháng chi đoàn phải tổ chức tối thiểu một buổi sinh hoạt định kỳ. Tuy nhiên, do số lượng đoàn viên không ổn định, hầu hết các chi đoàn sinh hoạt không đều, nhiều chi đoàn 4 - 5 tháng mới tổ chức sinh hoạt một lần. Tính tổ chức của các cơ sở đoàn vì thế có phần lỏng lẻo, rời rạc, thiếu tập trung; việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các đoàn viên thanh niên trong nhiều chi đoàn còn khó khăn, chưa kịp thời.
 
Công tác quy hoạch, chuẩn bị lực lượng kế cận ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc “hổng” cán bộ đoàn có khả năng, năng lực. Ở một số cơ sở đoàn, có năm phải thay bí thư đoàn từ 5 đến 6 lần, do đó công tác quản lý đoàn viên và chất lượng hoạt động bị hạn chế. Mặc khác, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cũng như chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ đoàn cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đoàn ở địa phương. “Mặc dù các cấp bộ đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các nguồn vốn vay, tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên như phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quang Nông, Công ty TNHH Sygenta mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các sàn giao dịch việc làm… nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm, vốn sản xuất vẫn còn nhiều”, anh Y Nhuần Byă, Trưởng Ban thanh thiếu niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh Đoàn cho biết.
 
Giải pháp
 
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác đoàn, anh Nguyễn Văn Thân, Bí thư Đoàn xã Cư Dliê M’nông (Cư M’gar) bày tỏ, muốn cơ sở đoàn phát triển mạnh và có hiệu quả, trước hết người cán bộ đoàn phải có một trình độ nhận thức nhất định, sau đó phải năng động, nhạy bén, nhanh chóng cập nhật thông tin kịp thời và có kỹ năng nghiệp vụ tốt…”. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đoàn nói chung, hoạt động, công tác đoàn vùng nông thôn nói riêng phụ thuộc nhiều vào đội ngũ cán bộ đoàn. Một đội ngũ cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình, tâm huyết với phong trào chung, có khả năng đề ra, thực hiện những chương trình, dự án thiết thực có thể đem đến nhiều lợi ích cho số đông đoàn viên, thanh niên, góp phần không nhỏ vào việc phát huy hiệu quả hoạt động của đoàn. Trước  thực tế này, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã mở nhiều buổi tập huấn để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho hơn 3.500 cán bộ đoàn, hội, đội. Công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở đoàn đã được các cấp bộ đoàn quan tâm với phương châm: “Chất lượng cơ sở đoàn là trọng tâm, cán bộ đoàn là then chốt, đoàn kết tập hợp thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu”.
a
Thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách là hoạt động mang ý nghĩa xã hội trong công tác Đoàn
Để có kinh phí hoạt động, các cơ sở đoàn phải tự “xã hội hóa” bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn. “Cần có cơ chế chính sách tiền lương, phụ cấp phù hợp, thỏa đáng cho cán bộ đoàn để họ yên tâm công tác, phấn đấu. Nhiều khi, các đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên bỏ tiền túi ra để tổ chức các hoạt động vì kinh phí phân bổ hằng năm cho các cơ sở đoàn mỗi năm chỉ có 5,5 triệu đồng, số tiền này không đủ để tổ chức các buổi sơ kết, tổng kết, chứ nói gì đến việc tổ chức các hoạt động xã hội”, anh Nguyễn Đức Ba, Bí thư Đoàn xã Cư Ni (huyện Ea Kar) chia sẻ.
 
Trao đổi về thực trạng này, anh Võ Văn Dũng, Trưởng Ban tổ chức-kiểm tra Tỉnh Đoàn cho biết, để thúc đẩy các cơ sở đoàn hoạt động mạnh, giảm thiểu tình trạng số lượng đoàn viên không ổn định, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành mở những lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn để họ bám địa phương; đào tạo đội ngũ cán bộ đoàn cấp thôn, buôn. Hiện nay, khi nhu cầu về đời sống tinh thần của đoàn viên, thanh niên ngày càng cao thì sân chơi cho đoàn viên thanh niên còn thiếu và yếu. Do vậy, cần khơi gợi sự hứng thú trong thanh niên đối với sinh hoạt đoàn để các tổ chức, cơ sở đoàn ngày càng hoạt động có hiệu quả và thiết thực.
Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc