Multimedia Đọc Báo in

Triển khai thực hiện Quyết định 1951 của Thủ tướng Chính phủ:

Ưu tiên đầu tư giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015

16:49, 11/01/2012

Ngày 11-1, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1951 ngày 2-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng; đại diện Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh giáp Tây Nguyên (vùng Tây Nguyên) đã tham dự.

Quang canh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Quyết định 1951 đề ra một số chỉ tiêu phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Tây Nguyên nhằm  tạo bước phát triển toàn diện ở các cấp học, nhất là giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Theo đó, đến năm 2015, vùng Tây Nguyên phấn đấu huy động từ 12-15% số trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ; học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98-99% ở tiểu học, 87-90% ở trung học cơ sở và 60% ở trung học phổ thông; có từ 7-9% học sinh dân tộc  thiểu số (DTTS) học nội trú trong tổng số học sinh DTTS ở giáo dục trung học, 96-98% trẻ em 5 tuổi người DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1; tất cả các huyện và 90% xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng; thu hút 5-8% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%; bình quân đạt 180 sinh viên/vạn dân; tỷ lệ sinh viên DTTS đạt từ 18-20% trở lên trong tổng số sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong vùng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề... cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới trường học.

Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Dak Lak phát biểu tham luận
Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Dak Lak phát biểu tham luận

Cụ thể, ưu tiên xây dựng các điểm trường lẻ ở các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2015 có 60% số trường mầm non đạt chuẩn về cơ sở vật chất; tăng cường cơ sở vật chất cho 80 trường phổ thông dân tộc nội trú trong vùng theo hướng đạt chuẩn quốc gia; ưu tiên đầu tư đồng bộ các yếu  tố bảo đảm chất lượng dạy nghề cho Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt và Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đạt trình độ quốc tế; Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt phát triển theo hướng đa ngành…

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham luận của bộ, ngành và các trường đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Quyết định 1951. Nhiều đại biểu cho rằng, kinh tế các địa phương vùng Tây Nguyên còn khó khăn, đời sống các dân tộc thiểu số trong vùng thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường  còn nhiều thiếu thốn; nguồn lực tài chính chưa đủ đảm bảo cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên có bước đột phá. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tăng cường đầu tư từ ngân sách bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ đề ra, đặc biệt để chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; phê duyệt Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2012 - 2015…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý nhấn mạnh: trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp chủ yếu đề ra, các địa phương chỉ đạo tập trung, giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Đặc biệt chú trọng chất lượng của các chỉ tiêu đạt được, góp phần cùng với cả nước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng chính sách đặc thù của khu vực để thu hút đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các sở, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 1951…


Nguyên Hoa
 


Ý kiến bạn đọc