Multimedia Đọc Báo in

Thẩm tra Đề án việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015:

Chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn còn thấp

10:45, 23/11/2012

Sáng 23-11, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đã tổ chức họp thẩm tra Tờ trình, Đề án và dự thảo Nghị quyết về việc làm và dạy nghề tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012-2015. Tham dự cuộc họp có đại diện HĐND tỉnh, UBND tỉnh; Trưởng ban và các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội; lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

Giới thiệu về Đề án việc làm và dạy nghề tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012-2015, lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết Đề án hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề nhằm nâng cao năng lực đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao, đủ về số lượng, từng bước hợp lý về cơ cấu nghề và cấp trình độ, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50%, đào tạo nghề 40%. Cụ thể, trong giai đoạn sẽ thực hiện đào tạo nghề cho 96.000 người; đào tạo, bồi dưỡng cho 3.600 lượt cán bộ công chức cấp xã; nâng cao năng lực cho 1.060 lượt cán bộ làm công tác việc làm, dạy nghề các cấp; hỗ trợ tạo việc làm cho 3.500 lao động thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 700 lao động và hỗ trợ cho 500 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua Trung tâm giới thiệu việc làm trên 30%. Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 659 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Đàn giới thiệu về Đề án việc làm và dạy nghề tỉnh giai đoạn 2012-2015
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Đàn giới thiệu về Đề án việc làm và dạy nghề của tỉnh giai đoạn 2012-2015.

Tại cuộc họp, Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) thống nhất với mục tiêu chung của Đề án việc làm và dạy nghề của tỉnh trong giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, các thành viên của Ban cho rằng, Đề án chưa đề cập đến chỉ tiêu và số lượng lao động cần được giải quyết việc làm trong giai đoạn này. Việc đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn cho 6.400 lao động nông thôn là thấp vì trong giai đoạn 2007-2010 số lượng lao động nông thôn được đào tạo ngắn hạn là trên 14.000 người; ngoài ra, theo điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn năm 2010 là gần 122.000 người. Qua giám sát, Ban Văn hóa – Xã hội thấy rằng, hiện nay 14 trung tâm dạy nghề cấp huyện chỉ mới có 63 cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu... Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và chất lượng đào tạo nghề. Do đó, cần bổ sung chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ giáo viên tại các trung tâm dạy nghề cấp huyện đến cuối năm 2015.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Võ Quang Tuyên phát biểu kết luận tại cuộc họp.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) Võ Quang Tuyên phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Để thực hiện Đề án một cách có hiệu quả, qua phân tích, đánh giá, Ban Văn hóa – Xã hội đề nghị HĐND tỉnh bổ sung biên chế hằng năm đối với cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề các huyện, bảo đảm 100% các cơ sở dạy nghề công lập có đủ giáo viên cơ hữu đối với các nghề đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên vào năm 2015. UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện “Chương trình việc làm và dạy nghề tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012-2015”; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp; trong công tác đào tạo nghề cần chú trọng lợi thế về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngành nghề truyền thống của địa phương.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc