Multimedia Đọc Báo in

Lần đầu tiên tổ chức hành trình hiến máu xuyên Việt

16:22, 04/07/2013

Hành trình đỏ vận động hiến máu xuyên Việt kéo dài trong vòng 22 ngày (từ ngày 7-28/7/2013) sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay sẻ chia những giọt hồng quý giá cho người bệnh cần máu.

Dak Lak là một trong 15 tỉnh, thành phố
Dak Lak là một trong 15 tỉnh, thành phố tổ chức ngày hội hiến máu trong Hành trình đỏ. Ảnh minh họa: K.O

Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” hành trình sẽ đi qua 35 tỉnh, thành phố để tuyên truyền vận động và tổ chức các ngày hội hiến máu tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hành trình lưu động được chia làm hai chặng: chặng thứ nhất xuất phát từ Cà Mau đến 11 tỉnh, thành phố từ Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Dak Lak, Nghệ An… ra Hà Nội; chặng thứ hai từ Điện Biên, Sơn La về Hà Nội. Lễ xuất quân và khởi động hành trình sẽ được tổ chức tại Cà Mau với ngày hội “Giọt máu hồng Đất Mũi” vào ngày 7-7 và 100 tình nguyện viên của đoàn hành trình được tuyển chọn trên cả nước sẽ hội ngộ tại thủ đô Hà Nội trong ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân” (vào ngày 27-7).

Hành trình đỏ năm nay thu hút sự tham gia của 5.000 tình nguyện viên, 150 ca sỹ, nghệ sỹ, hơn 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng và hiến máu. Chương trình dự kiến sẽ thu về khoảng 12.000 đơn vị máu; đồng thời, tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), kêu gọi sự ủng hộ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn qua việc soạn tin nhắn: TMBS gửi 1403.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, hành trình hiến máu xuyên Việt là hoạt động đầy tính nhân văn, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, sống vì cộng đồng của người dân. Sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các tình nguyện viên… sẽ góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu vào dịp hè và thúc đẩy cả nước sớm đạt đơn vị máu thứ 1 triệu trong năm.

K.O (nguồn SK&ĐS)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.