"Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
11:59, 23/04/2010
55 năm trước đây, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Ðền Hùng, gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Khu di tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, Phú Thọ là nơi thờ các Vua Hùng - Tổ Tiên chung của dân tộc Việt Nam. Đây là một khu di tích đặc biệt quan trọng, qua các thời kỳ lịch sử luôn được Nhà nước và nhân dân quan tâm, gìn giữ. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chủ Tịch đã 2 lần về thăm Khu di tích này.
Sau hiệp định Geneva, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong - Sư đoàn 308, căn dặn về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Cuộc gặp mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong không phải là sự tình cờ, mà là chủ đích của Người. Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy nghìn năm của lịch sử dân tộc, được Người tổng kết trong một câu nói lịch sử nổi tiếng:
Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
Trong thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ lịch sử và nhiệm vụ cách mạng của dân tộc là dựng nước và giữ nước, lúc đó việc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương chưa có điều kiện để tiến hành; Quy luật dựng nước và giữ nước trong lịch sử chưa được tổng kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thời đại Hùng Vương là thời kỳ lịch sử có thật của dân tộc; các Vua Hùng là người đã khai sinh ra đất nước Việt Nam. Sự khẳng định quy luật dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn, mà còn là sự quan tâm và ý thức tôn vinh Tổ tiên - các Vua Hùng - của người đứng đầu Nhà nước thời hiện tại. Sự nghiệp cách mạng rất đỗi vẻ vang nhưng còn nhiều gian khổ, đòi hỏi những hy sinh vô cùng to lớn, niềm tự hào vững chắc về Tổ tiên dựng nước là nguồn cổ vũ hết sức lớn lao của nhân dân cả nước. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã tôn vinh Đền Hùng lên một tầm cao mới của lịch sử.
![]() |
Bác Hồ nói chuyện với chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại Đến Hùng năm 1954 Ảnh: T.L |
Trong lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "các Vua Hùng đã có công dựng nước", Người đã viện dẫn đến những con người có thật trong buổi đầu của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một biểu tượng cao quý mà các thế hệ con cháu người Việt Nam đời này qua đời khác tôn thờ. Nói về Các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức cũng như trong đời sống thường nhật - Đền Hùng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi cho chúng ta ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn. Trên thế giới không có một dân tộc nào lại không có bề dày lịch sử của dân tộc mình, điều đó quyết định sức sống, sự thống nhất và phát triển của mỗi một dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hôm nay tất yếu của sự phát triển là nhiệm vụ tiếp tục dựng nước và giữ nước của các thế hệ con cháu người Việt Nam. "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Năm 1962, Đế quốc Mỹ chuẩn bị cuộc chiến tranh đánh phá cả miền Bắc. Cả nước thành chiến trường chống Mỹ. Một lần nữa, Đền Hùng lại đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào ngày 19-8-1962. Trong hồ sơ Di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng có ghi lời dặn của Người khi lên tới đỉnh núi Hùng: “Đã đi là phải tới đích, leo núi là phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng”. Người còn dặn phải trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm viếng. Cả 2 lần Người về Đền Hùng, cả 2 lần Người đều lên đến đỉnh cao mà ngày xưa Tổ tiên của người Việt Nam từng mơ ước cầu trời cho mưa thuận gió hòa, an dân hạnh phúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người con ưu tú nhất của dân tộc, người thầy vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam, người có đóng góp vô cùng lớn lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
(Trích lược theo Người Đại biểu nhân dân)
Ý kiến bạn đọc