Khúc khải hoàn ca 30-4 đi cùng năm tháng
Niềm hạnh phúc, sung sướng vỡ òa trong tiếng cười, tiếng khóc, trong những cái bắt tay thật chặt khi nghe tin miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày lịch sử trọng đại ấy; nhiều người tóc đã nhuốm màu năm tháng nhưng ký ức của người lính về một thời hào hùng, gian khó để có được ngày 30-4-1975 lịch sử thì mãi không bao giờ “già”.…
Thấy mình như trẻ lại
Một ngày giữa tháng Tư, Sư đoàn 470 long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Đó không chỉ là dịp để những người lính công binh của Sư đoàn được gặp gỡ, được sẻ chia niềm tự hào về phần thưởng mà Đảng và Nhà nước trao tặng; mà còn là cuộc hội ngộ của những người một thời từng kinh qua lửa đạn, trực tiếp nếm trải những mất mát hy sinh, thấu hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình, tự do cũng như niềm hạnh phúc tột độ của 35 năm về trước trong Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975.
Nguyên Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 470, Phùng Ngọc Diệp. |
Ở cái tuổi 70, đã nghỉ hưu 20 năm, hiện đang sống tại Bình Định, được gặp gỡ anh em đồng chí đồng đội nhất là trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước như thế này, ông thấy mình như trẻ lại, đôi chân lại muốn đi, đôi tay lại muốn làm thêm những chiếc cầu, con đường mới. Ông bảo không được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng từng là một người lính ông cũng như nhiều đồng chí khác tự hào đã góp công góp sức làm nên nhiều công trình điện, đường nối dài những bờ vui…
Cụ bà mong được xem một tờ tiền giấy có hình Bác Hồ
Đó là câu chuyện mà ông Vũ Công Phụng, hiện ở số nhà 471 Nguyễn Văn Cừ, TP. Buôn Ma Thuột không thể nào quên trong thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975.
Ông Vũ Công Phụng (thứ 2 tính từ phải sang trái). |
Những câu chuyện, những ký ức đẹp trong ngày 30-4-1975 mãi theo ông trong hành trang cuộc đời để ông giáo dục khuyên dạy con cháu sống xứng đáng với những giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do mà ông và bao đồng đội đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt…
“Chiến thắng rồi mà cứ nghĩ trong mơ”
Sinh năm 1944, quê ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Sĩ Tư bồi hồi khi nhớ lại những ngày tháng lịch sử hào hùng thuở trước: “Nhập ngũ năm 1963, được tham gia trên tuyến đường Trường Sơn năm 1964, khi ấy tôi làm nhiệm vụ chuyển thương binh trên tuyến đường thuộc Đoàn 559. Cuộc sống khi ấy ai cũng như ai, không có khái niệm riêng tư, cá nhân, tất cả chỉ một lòng phục vụ sự nghiệp chung, mong đến ngày toàn thắng...”.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Sĩ Tư (bìa trái). |
Đường vận chuyển xa, nhiều đèo dốc, suối sâu, máy bay địch lại thường xuyên bắn phá, một mình một đầu cáng, có lúc trèo dốc ba giờ liền, ông cùng đồng đội đã cáng hàng trăm thương binh ra tuyến ngoài trong những ngày tháng khốc liệt. Những tình cảm đồng chí, đồng đội, những mất mát hy sinh cùng không khí hào hùng thuở ấy như ăn sâu vào tâm trí ông, để rồi khi nhớ về lại rưng rưng, xúc động: “Tuy sự sống, cái chết cách nhau chỉ gang tấc, nhưng chúng tôi ai cũng luôn lạc quan, tin tưởng và cảm nhận được chiến thắng đang gần kề. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, bộ đội ta đánh xuống đồng bằng, thần tốc tiến vào Sài Gòn, tin chiến thắng cứ dồn dập đến hằng ngày. Chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng háo hức, rạo rực. Trên đường phố cũng tràn ngập không khí phấn khởi, sôi động; để rồi tất cả vỡ òa thành niềm vui khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất. Chiến thắng rồi mà vẫn nghĩ đang trong mơ. Đối với tôi, những năm tháng ấy không thể nào quên bởi ký ức chiến tranh đã thấm vào trong tâm khảm, là một phần không thể thiếu trong máu thịt…”.
Ý kiến bạn đọc