Multimedia Đọc Báo in

Vang mãi bài ca Kết đoàn

16:38, 05/09/2010

Ngày 3-9-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng hát “Bài ca kết đoàn” trước hàng vạn nhân dân thủ đô và bạn bè quốc tế trong đêm hội chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ III tại công viên Bách Thảo (Hà Nội). Hình ảnh thiêng liêng đó đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ghi lại qua tấm ảnh lịch sử “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và được coi là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, của văn hóa VN, âm nhạc Việt Nam. Đó cũng là điểm mốc để Ban Chấp hành Trung ương Đảng lấy ngày 3-9 hằng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam. 

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn - Ảnh: Lâm Hồng Long.
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn - Ảnh: Lâm Hồng Long.


 NSƯT Phan Phúc – một trong những người vinh dự có mặt tại thời khắc đáng nhớ đó đã kể lại: Hôm đó là tối 3-9-1960 tại công viên Bách Thảo, Hà Nội, Bộ Văn hóa cùng thành phố Hà Nội tổ chức dạ hội chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Tham gia biểu diễn trong dạ hội gồm nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều đơn vị, mỗi đoàn được bố trí vào một sân khấu biểu diễn riêng. Sân khấu mà tôi tham gia biểu diễn gồm Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với biên chế “4 quản”, gồm 114 nhạc công, có thể nói đây là dàn nhạc giao hưởng lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam; cùng với dàn đại hợp xướng (800 người), đây là hợp xướng tập hợp bởi sinh viên của các trường cao đẳng, đại học tại Hà Nội. Bác đến hoàn toàn bất ngờ, chúng tôi không ai biết trước cả. Lúc đó tôi là trưởng dàn nhạc, khoảng gần 20h, sắp sửa biểu diễn, hợp xướng và dàn nhạc đã tập kết vào vị trí. Tôi đang chuẩn bị soạn tổng phổ, đũa chỉ huy để lên giá nhạc cho chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu. Bất ngờ, tôi nhìn thấy Bác Hồ đi cùng nhiều vị khách quốc tế. Người mặc chiếc áo lụa màu vàng nhạt, chiếc quần lụa nâu thắt giải rút bình dị và chân đi đôi dép cao su đen quen thuộc. Tôi và mọi người rất vui mừng, nhưng cũng rất lúng túng chưa biết xử trí ra sao thì Bác và các vị khách nước ngoài đã đến trước dàn nhạc. Bác bảo tôi ngồi xuống, rồi hỏi lớn mọi người: “Các cháu có biết bài Kết đoàn không?”. Nhiều người đồng thanh: Thưa Bác có ạ! Sau đó Bác đứng lên bục chỉ huy và cầm chiếc đũa mà tôi đã để sẵn trước đó. Tôi vội đứng lên và nói lớn với dàn nhạc: Chúng ta cùng chơi “ton” đô. Rồi dưới đũa chỉ huy của Bác, bài Kết đoàn vang lên, dàn đại hợp xướng 800 người hòa cùng dàn nhạc giao hưởng 114 người nhịp nhàng, hùng hồn... Đêm đó biểu diễn “chay” chứ không có micro, khán giả thì đứng chứ không có ghế ngồi, các đại biểu quốc tế đi theo Bác khoảng gần 20 người, họ ngồi bệt xuống cỏ phía trước sân khấu và vô cùng ngạc nhiên, có lẽ không nghĩ rằng một vị lãnh tụ lại đứng điều khiển dàn nhạc và hợp xướng điệu nghệ đến thế. Mọi người cùng hát và đàn 1 lần bài Kết đoàn thì kết thúc. Bài hát được trình diễn rất biểu cảm, tiếng đàn tiếng ca vang rền cả một khu công viên. Tiếng hát tiếng nhạc đã dứt, Bác rời khỏi sân khấu nhưng mọi người vẫn cứ như trong mơ... Sau đó Bác và các vị khách nước ngoài tiếp tục đi qua các sân khấu khác trong công viên Bách Thảo. Chúng tôi lặng yên ngồi nhìn theo cho đến khi không còn thấy Bác nữa, mọi người như sực tỉnh và chuẩn bị cho chương trình biểu diễn chính thức ở sân khấu của mình…


Ngày Âm nhạc VN lần thứ I năm nay được tổ chức từ ngày 2 đến 5-9 trên phạm vi 15 tỉnh, thành trên cả nước (Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ và Hậu Giang). Trong suốt 4 ngày diễn ra sự kiện, Ban tổ chức sẽ lần lượt giới thiệu, tôn vinh từ các làn điệu dân ca truyền thống như ca trù, chầu văn cho đến những thành tựu của âm nhạc cách mạng, đương đại như giao hưởng, hợp xướng, các ca khúc cho thiếu nhi, dòng âm nhạc đang thịnh hành đối với tuổi trẻ... Tâm điểm của Ngày Âm nhạc VN là lễ khai mạc diễn ra vào 14 giờ ngày 3-9 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình VN. Chương trình của lễ khai mạc được chia làm 2 phần: Phần âm nhạc dân tộc với trống hội, hát văn, hòa tấu đàn nguyệt... và phần âm nhạc đương đại gồm các giao hưởng, hợp xướng, ca khúc kinh điển của âm nhạc cách mạng VN.

 

Theo TTVH và VCTV

Ý kiến bạn đọc