Multimedia Đọc Báo in

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến quý báu về những vấn đề kinh tế, chính trị lớn

08:21, 15/01/2011
 
Trong các phiên thảo luận tại Hội trường được tổ chức trong các ngày 13 và 14-1, các đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tham luận những vấn đề kinh tế, chính trị lớn của đất nước, được đông đảo nhân dân quan tâm, đóng góp vào các văn kiện của Đại hội.
 
Các đại biểu đã làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến những đặc trưng thể hiện tính ưu việt của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng; việc xây dựng giai cấp công nhân, nông dân đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới; việc sửa đổi Điều lệ Đảng; đề xuất nhiều giải pháp để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đổi mới kinh tế và hệ thống chính trị; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng; xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, từng bước phát triển nền kinh tế tri thức…

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội (Ảnh: SGGP)
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội (Ảnh: SGGP)
Công tác phát triển Đảng trong công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, đó là ý kiến đáng chú ý của các đại biểu. Giai cấp công nhân Việt Nam có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của Đảng ta. Hai mươi lăm năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên hiện đời sống công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn, công tác phát triển đảng trong công nhân chưa thực sự được quan tâm, nên ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức cơ sở đảng rất thấp… Đảng cần lãnh đạo Chính phủ phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đối với công nhân lao động.
 
Bàn về các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), theo đại biểu cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, công chức và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng và tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh PCTN; thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân đối với công tác PCTN; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, giải pháp về PCTN; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật…
 
Về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, Đảng ta là Đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, nên mọi lĩnh vực đều phải được kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đảng ở những vị trí càng quan trọng, lĩnh vực càng nhạy cảm thì càng phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát, không có ’’vùng cấm’’ trong công tác này. Mọi vi phạm của tổ chức và đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đều có nguyên nhân là do thiếu kiểm tra, giám sát. Vì vậy, cần phải nắm vững mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát là góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực cầm quyền của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát bằng việc bổ sung, phát triển quan điểm, nguyên tắc, quy chế, quy trình, quy định trong lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của ngành kiểm tra ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ…
 
Các đại biểu thảo luận trongi hội trường (Ảnh: Phan Tân)
Các đại biểu thảo luận trong hội trường (Ảnh: Phan Tân)
Để giải quyết tốt hơn, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn phát triển đất nước 2011-2020, theo đại biểu cần phải đổi mới chính trị phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và cải cách nền hành chính công, sớm hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giảm hợp lý đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, công nghệ mới và hiệu quả. Về vấn đề này, theo đại biểu của đoàn Dak Lak, đồng chí  Niê Thuật, uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ:  "...Trong thời đại ngày nay, phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ gìn sự lành mạnh về xã hội và sự trong sạch về môi trường. Bảo vệ môi trường đã trở thành một vấn đề trọng yếu của toàn cầu và đang được nhiều quốc gia trên thế giới đặt thành quốc sách. Bảo vệ môi trường đã trở thành một nội dung quan trọng của các chiến lược và kế hoạch phát triển nền kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Nếu không đặt trúng vị trí của bảo vệ môi trường thì không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân…”.
Đại biểu đoàn Dak Lak, đồng chí Niê Thuật, UV TU Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tham luận tại Đại hội (Ảnh: Phan Tân)
Đại biểu đoàn Dak Lak, đồng chí Niê Thuật, UV TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tham luận tại Đại hội (Ảnh: Phan Tân)
Bàn về việc xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, từng bước phát triển nền kinh tế tri thức, đại biểu cho rằng, trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng đội ngũ trí thức và từng bước phát triển kinh tế tri thức là một đòi hỏi cấp bách, mang tính khách quan. Tuy nhiên, ở nước ta, phát triển nền kinh tế tri thức không chỉ bằng ý chí và nguyện vọng chủ quan mà đòi hỏi phải có những điều kiện tiên quyết để thực hiện, trước hết là phải xây dựng kết cấu hạ tầng thích hợp, bao gồm cả kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tâm lý xã hội, giáo dục, khoa học và phải có bước đi phù hợp. Để phát triển nền kinh tế tri thức, cần phải có đội ngũ tri thức nhiều về số lượng và cao về chất lượng, đồng thời phải có cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước. Muốn vậy, một mặt cần khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy truyền thống yêu nước, phụng sự hết mình cho đất nước và nhân dân, đem trí tuệ, tài năng, sức lực cùng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, tạo ra sự phát triển. bền vững Mặt khác, cũng cần giải quyết đồng bộ các giải pháp khác, trong đó có việc tập trung đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KHCN, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại để đến năm 2020 đạt mức trung bình của thế giới; nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chú trọng các nghiên cứu cơ bản có trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính trong khoa học công nghệ, tạo động lực cho đội ngũ trí thức phát huy sáng tạo; phát triển và hiện đại hóa nền giáo dục ở tất cả các bậc học, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh thích hợp đối với đội ngũ trí thức nói chung và chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài, hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám.

Hôm nay 15-1, Đại hội làm việc về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

 

Đ.T (tổng hợp) 
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc