Tăng cường đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường (*)
17:39, 15/01/2011
Trong phiên thảo luận tại Hội trường tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Dak Lak, đồng chí Niê Thuật, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đã trình bày tham luận. Báo Dak Lak xin trân trọng giới thiệu nội dung chính của tham luận này.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng tăng cường, củng cố khối đoàn kết toàn dân, nắm vững và vận dụng đúng đắn chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc. Với đặc thù của Dak Lak, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển nhanh, nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc…Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt, thông qua nhiều chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ như: chương trình xoá đói, giảm nghèo, chương trình định canh, định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đầu tư xây dựng trung tâm cụm xã, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, chính sách cho vay vốn sản xuất đối với hộ đặc biệt khó khăn… Đến nay, Dak Lak đã cơ bản hoàn thành 4 mục tiêu của Chương trình 132, 134 về giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; triển khai hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới được gần 13.000 căn nhà cho các hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ, đạt 97 % kế hoạch.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tập hợp, đoàn kết, giáo dục các tầng lớp nhân dân ngày càng được chú trọng, có hiệu quả thiết thực. Để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tỉnh đề ra chủ trương kết nghĩa giữa cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và các địa phương người Kinh với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay đã có trên 1.000 cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh kết nghĩa với 599/599 buôn; qua đó tăng cường đoàn kết, gần gũi, thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Dak Lak có trên 25% đồng bào theo các tôn giáo, nhìn chung các chức sắc tôn giáo, đồng bào theo đạo đều có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền. Đảng bộ tỉnh luôn nhận thức sâu sắc rằng mọi chủ trương, chính sách, nhiệm vụ cũng như trong tổ chức thực hiện ở các cấp uỷ, chính quyền luôn xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thực sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo đúng pháp luật; chống thái độ phân biệt, định kiến.
Về phát triển kinh tế, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Dak Lak đạt 12,2%, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đã có bước phát triển khá nhanh, phát huy được lợi thế của địa phương; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra, bình quân hàng năm tăng trên 24%/năm. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, hoạt động có hiệu quả. Diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc.
Văn hóa, xã hội có tiến bộ, trình độ dân trí, đời sống của các tầng lớp nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 28% năm 2005, xuống còn 10% năm 2010. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
… Trong thời đại ngày nay, việc phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ gìn sự lành mạnh về xã hội và sự trong sạch về môi trường. Bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề trọng yếu của toàn cầu, được nhiều quốc gia trên thế giới đặt thành quốc sách. Nhận thức được vấn đề này, trong lãnh đạo, chỉ đạo quá trình đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở Dak Lak, Đảng bộ, các cấp uỷ, chính quyền luôn chú trọng đến công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Trong các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành đều có tính đến việc bảo vệ môi trường, sự tác động môi trường và sự phát triển bền vững…
Dak Lak đã hình thành được bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố đi vào hoạt động ổn định, tổ chức nhiều lớp tập huấn về bảo vệ môi trường. Hoạt động giám sát, quan trắc và cảnh báo về ô nhiễm môi trường; kiểm tra giải quyết đơn thư, khiếu nại về môi trường được thực hiện thường xuyên và khá kịp thời. Công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về môi trường, tổ chức các hoạt động, các phong trào về môi trường thường xuyên được tổ chức, được các cấp, các ngành quan tâm, đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, qua đó tình hình vệ sinh, môi trường trên địa bàn tỉnh dần dần được cải thiện.
Trong giai đoạn 5 năm (2005 - 2010) nhiều chỉ tiêu về môi trường của Dak Lak đạt kết quả khá. Đến 2010 tỷ lệ che phủ rừng đạt 50%, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch tập trung ở đô thị 95%, nông thôn trên 70%; hệ thống nước thải tại các đô thị loại 3 trở lên đạt 100%; các khu, cụm công nghiệp, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn; chất thải y tế, chất thải nguy hại cơ bản được xử lý. Đặc biệt thành phố Buôn Ma Thuột đã có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, năm 2009 được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn là một trong 10 đô thị xanh, sạch nhất của cả nước.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, Dak Lak rút ra một số kinh nghiệm là:
1 - Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ luôn kiên định quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, sự hoạt động đồng bộ, có hiệu quả của hệ thống chính trị cùng với hành động tự giác tích cực của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, đội ngũ trí thức, các doanh nghiệp... sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển.
2 - Các cấp uỷ, chính quyền luôn chú trọng khai thác, phát huy những mặt tích cực, những điểm tương đồng để tập hợp, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo; coi trọng kết hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chính trị, kinh tế một cách bền vững với giải quyết đời sống, chăm lo cải thiện lợi ích cụ thể của đồng bào các dân tộc. Trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, từ quan điểm, chủ trương đến hành động phải nhất quán, hợp lòng dân, phù hợp đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội cụ thể của từng vùng, từng dân tộc, từng đối tượng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đồng cam, cộng khổ với dân, sâu sát và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương, giải pháp lãnh đạo đúng đắn.
3 - Trong quá trình xây dựng, phát triển, phải đặt yêu cầu bền vững, đặt lợi ích chung của đất nước, của nhân dân lên trên hết, luôn là nguyên tắc cao nhất, nguyên tắc thường trực trong mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các cấp uỷ, chính quyền; cần chống bệnh thành tích chạy theo số lượng đơn thuần mà thiếu chú trọng sự bền vững trong phát triển cũng như chất lượng cuộc sống…
Để tăng cường đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, Dak Lak xin kiến nghị với Trung ương:
1 - Sau Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Bộ Chính trị cần nghiên cứu, tiếp tục có Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020.
2 - Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành tiếp tục bổ sung những chính sách đầu tư, ưu đãi mang tính đặc thù cho Tây Nguyên để phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, gắn với bảo vệ rừng, môi trường, sinh thái…
3 - Vấn đề dân di cư ngoài kế hoạch đến các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Dak Lak hiện nay việc giải quyết vẫn còn bất cập. Vì vậy, đề nghị trung ương, các bộ, ngành có liên quan chủ động xây dựng phương án di dân theo kế hoạch; bố trí, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh đầu tư xây dựng các vùng dự án, để bà con ổn định cuộc sống lâu dài.
(*) Đầu đề do Báo Dak Lak đặt
Ý kiến bạn đọc