Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức Công đoàn trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”
Tổ chức Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và những người lao động Việt Nam.
Quá trình hình thành và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam (tiền thân là Công hội đỏ Bắc kỳ) gắn liền với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những thập niên đầu của thế kỷ XX mà tác phẩm “Đường Kách mệnh” – những bài giảng của Người về con đường cách mạng Việt Nam cho các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong các năm 1925-1927 đã đặt nền móng, cơ sở lý luận cho sự ra đời của tổ chức này.
Ngày nay, những lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về “Tổ chức Công hội” trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” cách đây 85 năm vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và chỉ đạo thực tiễn trong hoạt động Công đoàn.
Bằng phương pháp đàm thoại dưới dạng hỏi đáp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra 12 câu hỏi và theo đó là 12 câu trả lời: Tổ chức Công hội là gì? Cách tổ chức Công hội thế nào? Một người công nhân có thể vào hai hội không? Công hội với chính đảng khác nhau thế nào? Cái gì là hệ thống của Công hội? Muốn hội vững bền thì phải tránh những việc gì? Phải tổ chức thế nào cho kiên cố? Tiểu tổ làm những việc gì? Thứ tự trong Công hội thế nào? Có việc gì thì giải quyết thế nào? Sao hội viên phải nộp hội phí? Cách tổ chức bí mật thế nào?
Mười hai câu trả lời về “tổ chức Công hội” đã chỉ rõ tôn chỉ, mục đích và phương pháp tổ chức, phương pháp hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Với ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, Người đã chỉ rõ mục đích, nội dung hoạt động của tổ chức công đoàn:
“Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Trong phần trả lời câu hỏi thứ tư: “Công hội với chính đảng khác nhau thế nào?” có nội dung mang tính chỉ đạo thực tiễn rất thời sự: “Đảng viên ai cũng phải vào hội để mà tuyên truyền chủ nghĩa của đảng”. Ngày nay có bao nhiêu đảng viên là hội viên của Công đoàn, nông dân, phụ nữ… “tuyên truyền chủ nghĩa của Đảng” khi sinh hoạt Hội?
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức Công đoàn trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” là kết quả quá trình “Vô sản hóa” từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến lãnh tụ Cộng sản Nguyễn Ái Quốc.
Ngay từ năm 1914, tại nước Anh, nơi được gọi là “Công xưởng của thế giới” và là quê hương của phong trào nghiệp đoàn, người thanh niên trí thức Nguyễn Tất Thành đã tham gia “Tổ chức lao động hải ngoại”, “Tổ chức nghiệp đoàn của thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh” (theo tạp chí “Xưa và nay”, cơ quan Hội khoa học lịch sử Việt Nam số tháng 7-2009, tr.3) khi làm phụ bếp khách sạn Các-lơ-tơn (Carlton) ở Luân Đôn. Vì vậy, Người hiểu rõ giai cấp công nhân thuộc địa hơn ai hết.
Năm 1922, tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gắn hoạt động cách mạng của mình với lực lượng thợ thuyền người Việt sống và làm việc ở hải cảng lớn nhất và là thành phố lớn thứ hai của Pháp, sau Pari, là Mác-xây trong các tổ chức tương tế ái hữu như “Hội ái hữu những người lao động, chân tay Đông Dương”, “Hội tương tế Đông Dương của giới thủy thủ”.
Lý luận về tổ chức Công đoàn trong “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quá trình “vô sản hóa” của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ năm 1911 đến 1927 trong các nghiệp đoàn thợ thuyền các nước với lý luận cách mạng của Lênin trong “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo “Nhân Đạo” – cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, ra ngày 16 và 17-7-1920, mà Nguyễn Ái Quốc đón nhận với niềm xúc động vô hạn…
Lý luận về hoạt động Công đoàn trong “Đường Kách mệnh” được những người thanh niên yêu nước trong “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” soi sáng trên con đường “Vô sản hóa” và phát triển phong trào công nhân ở các xí nghiệp lớn trong nước những năm đầu thế kỷ XX như xưởng A-vi-a ở Hà Nội, Nhà máy sợi Nam Định, một số nhà máy điện, máy cưa, máy diêm ở Hải Phòng, Vinh, Bến Thủy… dẫn đến hội nghị đại biểu Đại hội Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất – ngày 28-7-1929. đại hội đã họp và thông qua chương trình, điều lệ “Công hội đỏ”, bầu Ban Chấp hành Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Từ đây, phong trào đấu tranh tự giác của giai cấp công nhân theo “Đường Kách mệnh” phát triển rộng khắp từ Bắc đến Nam, tạo cơ sở xã hội cho sự ra đời của Đảng vào năm 1930.
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc