Multimedia Đọc Báo in

NĂM “ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ VIỆT – LÀO” 2012

Cuộc hội kiến lịch sử của Bác Hồ và Hoàng thân Xuphanuvông

09:50, 04/09/2012

Theo tư liệu lịch sử, một ngày đầu tháng 9-1945, tại Bắc Bộ phủ ở thủ đô Hà Nội đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa chính trị lịch sử giữa hai nước Việt – Lào khi Cách mạng Tháng 8 vừa thành công, đó là cuộc hội kiến gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và người Kỹ sư công chánh trẻ, dân tộc Lào, con trai út của Phó Vương Bun Khổng, và là con rể ông chủ khách sạn “Bon Air” (nghĩa là Trong Lành) ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để bàn về cuộc cách mạng của hai nước Việt – Lào trong tương lai.

Hồ Chủ tịch và Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước.     Ảnh: T.L
Hồ Chủ tịch và Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước. Ảnh: T.L

Người Kỹ sư công chánh đó là Hoàng thân Xuphanuvông (ông sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại cố đô Luang Pha Băng gần biên giới 2 tỉnh Sơn La, Lai Châu nước ta). Và chính từ cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy tính lịch sử này “đã hình thành trong tâm trí, đầu óc người trí thức Lào về con đường cứu nước cứu dân, giải phóng dân tộc Lào thoát khỏi ách nô dịch bóc lột của thực dân Pháp như ở Việt Nam, quê vợ của Hoàng thân”.

Phó Vương Bun Khổng, thân phụ Hoàng thân Xuphanuvông là người yêu nước, chống Pháp quyết liệt, ông đã kịch liệt phản đối việc Pháp và Thái Lan ký Hiệp định phi lý, phi pháp năm 1883, cắt 1 phần đất của Lào (Chiềng Mai – đối diện thủ đô Viêng Chăn) cho Thái Lan. Phó Vương cũng là một người cấp tiến, thức thời, chống Pháp nhưng lại đưa con sang Pháp du học để tiếp thu nền văn minh bên châu Âu xa xôi. Năm học 1920-1921, Hoàng thân Xuphanuvông mới 11 tuổi cùng 10 bạn cùng trang lứa trong Hoàng tộc đi du học ở Hà Nội theo ngả đường xuống Con Cuông (Nghệ An) bằng hai thớt voi rồi đi đò dọc sông Lam xuống Vinh, ngồi tàu hỏa ra Hà Nội và nhập học lớp Đồng Ấu (Cour Enfentain) Trường Albert Sarraut chỉ dành cho con cháu giới thượng lưu. Năm 1931, Xuphanuvông lại được thân phụ đưa sang Pháp du học tại Trường cầu đường quốc gia, khoa xây dựng các công trình dân sự. Sau 6 năm du học tại mẫu quốc bảo hộ, năm 1937, Xuphanuvông tốt nghiệp kỹ sư cầu đường trở về làm việc ở Sở Giao thông Công chính Trung Kỳ, rồi vào Nha Trang thực hành công vụ theo sự điều chuyển của chính quyền bảo hộ.

Năm Mậu Dần (1938), kỹ sư, Hoàng thân Xuphanuvông trở thành người con rể Việt Nam, phu nhân của ông là cô Nguyễn Thị Kỳ Nam, ái nữ của ông chủ khách sạn “Trong lành” ở Nha Trang mới 17 xuân xanh, sau này đổi tên là Viêng Khăm Xuphanuvông (Viêng Khăm nghĩa là “Bức thành vàng”). Từ đó đến năm 1945, kỹ sư Xuphanuvông đã thiết kế để xây dựng các đập Bái Thượng (Thanh Hóa), Đô Lương (Nghệ An), Đồng Cam (Phú Yên) và các cây cầu bắc trên các sông Cả, Cà Ty, sông Mã, sông Chu, sông Cái, sông Ba, Đà Rằng, thiết kế hàng chục chiếc cầu, tiêu biểu nhất là Tháp Nước – 1 công trình “Tuyệt mỹ” vẫn còn tồn tại ở Phan Thiết, tỉnh lỵ Bình Thuận bây giờ.

Đầu tháng 9-1945, khi đang làm việc ở Vinh, kỹ sư, Hoàng thân Xuphanuvông được Hồ Chủ tịch điện mời ra Hà Nội để hội kiến. Ông Lê Văn Hiến được giao việc đón kỹ sư, Hoàng thân Xuphanuvông trong chuyến vào Huế đưa công dân Vĩnh Thụy ra làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời. Vĩnh Thụy được bố trí ăn ở tại biệt thự sang trọng (51 Trần Hưng Đạo bây giờ), còn kỹ sư, Hoàng thân Xuphanuvông lại ở cùng Hồ Chủ tịch tại Bắc Bộ phủ, cùng Người ăn cơm gạo lức, ngủ chung trên một chiếc giường to rộng, gối chung một gối mây dài hơn 1 mét.

Một tháng ở Hà Nội, gần gũi Bác Hồ đã hình thành trong đầu người kỹ sư Lào con đường đấu tranh cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc Lào thoát khỏi ách đô hộ của Pháp, và ông đã trọn đời trung thành với con đường mà mình đã lựa chọn.

Cùng thời điểm đó, anh trai của Hoàng thân Xuphanuvông là Phó Vương Phết Xa Rạt kịch liệt phản đối Đờ Gôn, coi việc Pháp trở lại Lào là xâm chiếm vương quốc 1 lần nữa. Phó Vương đã kêu gọi em trai về nước để cùng lãnh đạo cuộc kháng chiến giải phóng Tổ quốc quê hương.

Ngày 3-10-1945, chia tay Bác Hồ, Hoàng thân trở về Tổ quốc theo đường miền núi Con Cuông, nơi mà 25 năm trước đó ông đã đi sang Việt Nam du học.

Bảo vệ hộ tống Hoàng thân Xuphanuvông trở về Tổ quốc, lãnh đạo kháng chiến ở Thà Khẹt là một tiểu đoàn bộ đội Việt Nam do nhà toán học trẻ Lê Thiệu Huy quê ở Hà Tĩnh chỉ huy. Do cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch, giữa tháng 3-1946, lực lượng kháng chiến của bạn đã phải vượt sông Mê Kông sang đất Thái Lan để củng cố lực lượng kháng chiến lâu dài. Tiểu đoàn trưởng bộ đội ta Lê Thiệu Huy đã anh dũng hy sinh, lấy thân mình che cho Hoàng thân. Hoàng thân rất xúc động trước sự hy sinh của Lê Thiệu Huy để mình thoát hiểm.

Sau khi Phó Vương Phệt Xa Rạt băng hà, chính sự ở Viêng Chăn rối ren ngả sang phái hữu. Sau 1 năm kháng chiến chống Pháp, năm 1949, Hoàng thân Xuphanuvông lại đến an toàn khu Việt Bắc theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn về cuộc kháng chiến ở đất nước “Triệu voi”, cùng thời gian với đồng chí Cayxỏnphômvihẳn được bà con người Mông ở Phiêng Xa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu (Sơn La) che chở bảo vệ xây dựng thành mật khu kháng chiến, từ đây đồng chí Cayxỏnphômvihẳn đã sang Phú Thọ dự lễ thành lập đội vũ trang “Lát Xa Vông”, tiền thân của bộ đội Phathet Lào ở ngôi đền làng Chu Hưng, xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ – theo định hướng của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ sự phát triển của cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Cayxỏnphômvihẳn lãnh đạo, Mặt trận Lào yêu nước do Hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu và sự giúp đỡ phối hợp chiến đấu của nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam, với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, cuộc kháng chiến của các bộ tộc Lào anh em đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tháng 7-1962, chính quyền Viêng Chăn đã phải ký Hiệp định Geneve, Chính phủ liên hiệp ba phái ở Lào được thành lập. Đến ngày 2-12-1975, Cách mạng Lào trải qua 30 năm chiến đấu đã giành thắng lợi trọn vẹn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập, mở ra 1 trang sử mới trong quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.

Cuộc hội  kiến lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông  đầu tháng 9-1945 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là động lực phát triển của cách mạng Lào trong thế kỷ 20 đầy biến động, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của Lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian 30 năm chống Pháp, đánh Mỹ, phái hữu phản động và công cuộc đổi mới xây dựng đất nước Việt – Lào hôm nay và mai sau, đúng như câu nói bất hủ của Hồ Chủ tịch:

“Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Ngọc Anh (st-bs)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.