Multimedia Đọc Báo in

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa VIII:

Cơ quan chức năng trả lời vấn đề cử tri quan tâm

10:31, 16/07/2013

LTS: Bố trí vốn để sửa chữa nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm… là những vấn đề cử tri trong tỉnh phản ánh, kiến nghị lên HĐND tỉnh Khóa VIII và đã được các sở, ngành chức năng giải đáp tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Từ số báo này, Báo Dak Lak lần lượt giới thiệu các nội dung trên.

Nguồn vốn hạn hẹp, khó triển khai cùng lúc nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi

*Cử tri huyện Ea H’leo đề nghị tỉnh bố trí vốn để sớm thi công tỉnh lộ 15 và đường huyện Ea H’leo đi huyện Ea Súp, vì đây là trục đường chính nối giữa 2 địa phương nhưng thi công nhiều năm vẫn chưa xong, đi lại khó khăn.

Dự án nâng cấp tỉnh lộ 15 có chiều dài 18km, hiện đã thi công hoàn thành thảm bê tông nhựa 14km, còn 4 km chưa thảm bê tông nhựa. Việc thi công đang gặp khó khăn về vốn, hiện nợ nhà thầu thi công là 43 tỷ đồng, trong khi đó vốn kế hoạch bố trí trong năm 2013 cho công trình này chỉ là 200 triệu đồng.

Đường huyện Ea H’leo đi Ea Súp gồm 5 gói thầu: gói thầu số 7 (từ km0 - km14) đã thi công được 52% khối lượng, nhà thầu đang tiếp tục thi công; gói thầu số 8 (từ km14 – km34) chưa triển khai được vì vượt tổng mức đầu tư; gói thầu số 4 (từ km34 – km46+022) đã thi công được 35% khối lượng, nhà thầu đang tiếp tục thi công; gói thầu số 5b (cầu km13+142) đã thi công được 13% khối lượng, đang tiếp tục thi công; gói thầu số 6b (cầu km28+528) đã thi công được 27% khối lượng, nhà thầu đang tiếp tục thi công. Tính chung giá trị xây lắp các gói thầu là 144 tỷ đồng; vốn ngân sách đã cấp 52 tỷ (giai đoạn 2010 - 2012), giá trị khối lượng đã thi công 59,6 tỷ; vốn bố trí năm 2013 là 3 tỷ.

*Cử tri huyện Krông Năng đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn sửa chữa tỉnh lộ 3 từ Krông Năng đi Ea Kar vì hiện nay tuyến đường này đã bị hư hỏng nghiêm trọng ảnh hưởng việc đi lại, sản xuất của nhân dân.

Cuối năm 2009, UBND tỉnh đã cho chủ trương lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 3 và Sở GTVT đã triển khai lập xong dự án đầu tư trong năm đó, nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt được do không có nguồn vốn đầu tư.

Đối với công tác sửa chữa định kỳ, trong năm 2012 tỉnh đã bố trí  2,7 tỷ đồng, năm 2013 tỉnh bố trí 1,49 tỷ đồng, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp không đủ cho việc sửa chữa nên đường ngày càng xuống cấp. Hiện UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tham mưu các giải pháp kêu gọi, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư cho các công trình đã được phê duyệt, nhưng chưa được triển khai do thiếu vốn.

Nhiều tuyến đường hư hỏng nặng, không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời vì thiếu vốn.
Nhiều tuyến đường hư hỏng nặng, không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời vì thiếu vốn.

*Cử tri huyện Krông Bông đề nghị tỉnh nâng cấp, sửa chữa tỉnh lộ 9 từ Krông Bông đi Krông Pak và tỉnh lộ 12 đi qua xã Hòa Phong vì các tuyến này đang bị hỏng nặng.

Đối với tỉnh lộ 9, UBND tỉnh đã cho chủ trương lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp từ tháng 7-2009 và Sở GTVT đã triển khai lập xong dự án đầu tư từ năm 2009, nhưng đến nay công trình trên vẫn chưa phê duyệt được do chưa có nguồn vốn đầu tư. Với tỉnh lộ 12, tháng 3-2006 UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do chưa có nguồn vốn đầu tư, hàng năm đều có bố trí kinh phí sửa chữa nhưng do kinh phí có hạn nên việc bảo trì chưa tốt.

*Cử tri huyện M’Drak đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến với Chính phủ, Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ thi công đường Đông Trường Sơn đi qua địa bàn huyện để tạo điều kiện thuận lợi trong thông thương đi lại của nhân dân.

Đường Đông Trường Sơn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 106 km, đến nay đã thi công 62,5km, trong đó 47km đi trùng với đường Krông Bông-Krông Á (địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư) và đã thi công được 15,5km. UBND huyện M’Drak cần chủ động trong việc giải phóng mặt bằng và có kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng sớm thực hiện việc giải tỏa và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Về phía UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Quốc phòng bố trí vốn đầu tư cho công trình để đẩy nhanh tiến độ thi công sớm đưa vào khai thác.

*Cử tri thị xã Buôn Hồ phản ánh việc triển khai thực hiện tuyến đường tránh Đông Tây kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tuyến đường trên nằm trên địa bàn thị xã Buôn Hồ do UBND thị xã Buôn Hồ làm chủ đầu tư, việc thi công kéo dài do có nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, hiện nay huyện vẫn chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng. Vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã Buôn Hồ, do đó UBND huyện cần chủ động trả lời cho cử tri khi tiếp xúc cử tri định kỳ.

*Cử tri TP. Buôn Ma Thuột đề nghị triển khai đề án bê tông hóa kênh mương nội đồng, đoạn từ xã Ea Kao đến xã Hòa Khánh để dẫn nước về các cánh đồng tốt hơn.

Đây là tuyến kênh chính của công trình thủy lợi Ea Kao, không phải kênh mương nội đồng nên được ghi trong Chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011-2015 và đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 42/2011/NQ-HĐND, ngày 22-12-2011. Tuyến kênh có chiều dài  8,82 km, với tổng mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng, dự kiến triển khai vào năm 2014.

*Cử trị huyện Buôn Đôn đề nghị tiếp tục triển khai hoàn thành việc xây dựng các kênh mương dẫn nước tưới tiêu tại buôn Trí A, B.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường rừng và ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ các buôn Trí A, B và Jang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn), Bộ NN&PTNT có chủ trương đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Dak Lau bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, giải quyết nguồn nước tưới cho khoảng 100 ha cây trồng đã được đồng bào khai phá, sử dụng làm đất canh tác từ lâu và giao cho Vườn Quốc gia Yok Đôn làm chủ đầu tư. Công trình thủy lợi Dak Lau không nằm trong danh mục công trình quy hoạch thủy lợi chi tiết các lưu vực sông suối trên địa bàn huyện Buôn Đôn cũng như trong quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Dak Lak giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư chưa có văn bản gửi cơ quan quản lý chuyên ngành để tham mưu, xem xét tính khả thi của dự án để cân nhắc việc bổ sung danh mục công trình vào quy hoạch; không báo cáo về quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư; cơ quan quản lý chuyên ngành không được yêu cầu tham gia ý kiến thiết kế cơ sở của dự án.

Về quy mô đầu tư, với hình thức công trình là đập dâng, xây dựng ở vùng được đánh giá có lưu lượng dòng chảy cơ bản bằng không nên khả năng cung cấp nước tưới cho hiện trạng đất canh tác là không bảo đảm, nhất là về mùa khô. Vì thế cần có đánh giá lại quy mô, hiệu quả đầu tư của công trình để có phương án hợp lý việc bố trí dân cư, đất sản xuất cho đồng bào thuộc diện hưởng lợi từ công trình này sau khi công trình xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo tính toán của đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch, tại khu vực canh tác này đã xác định danh mục đầu tư xây dựng trạm bơm buôn Trí (là danh mục công trình có trong quy hoạch thủy lợi được duyệt) bơm nước từ sông Sêrêpôk là khả thi nhất. Tuy nhiên, do việc đầu tư xây dựng công trình thủy điện Sêrêpôk 4A đã làm thay đổi dòng chảy (do nắn dòng chảy), đưa nguồn nước ra xa vị trí dự kiến xây dựng công trình trạm bơm buôn Trí, vì thế trạm bơm buôn Trí không còn khả thi nữa.

* Cử tri các huyện Cư M’gar, Krông Bông, Krông Pak, Ea H’leo tiếp tục đề nghị cấp trên cho xây nhiều đập thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn các huyện nhằm tạo điều kiện về nước tưới cho nhân dân trong mùa khô hạn.

Việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải tuân theo quy hoạch được duyệt, Chi cục Thủy lợi và PCLB đã phối hợp với các cấp huyện rà soát, lập kế hoạch hằng năm và theo từng giai đoạn để đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch chi tiết các lưu vực sông suối trên địa bàn cấp huyện cũng như trong quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Dak Lak giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Hiện nay UBND tỉnh đã cho chủ trương và lập dự án với kinh phí trên 6.500 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa cân đối được nguồn để đầu tư, nguồn kinh phí chỉ tập trung giải quyết tồn đọng những dự án đã triển khai đang nợ vốn và tìm giải pháp huy động đủ vốn cho các dự án đang triển khai. Một số huyện cũng đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa những công trình thủy lợi nhỏ. Để giải quyết nhu cầu của nhân dân theo ý kiến của cử tri các huyện nói trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc tập trung nguồn lực cho phát triển thủy lợi những năm tiếp theo để đáp ứng chỉ tiêu diện tích tưới đã được HĐND, UBND tỉnh thông qua.

(còn tiếp)

Ngọc Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc