Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 5-5-2008 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, trong những năm qua các cấp ủy trực thuộc đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận…
Ngay sau khi Nghị quyết 07 ra đời, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy đã kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp từng địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy đã đề ra. Nhìn chung, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07, các cấp ủy đảng, đảng viên ở cơ sở đã nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, tập trung xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Đánh giá kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, đồng chí Trần Phú, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Nhờ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng nên năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2008 toàn tỉnh có 54,4% tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn đạt trong sạch vững mạnh, thì đến năm 2012, chất lượng tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn đạt trong sạch vững mạnh là 57,1%, tăng 2,7%. Các cấp ủy cơ sở cũng đã quan tâm làm tốt công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên ở các thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên và tổ chức đảng, đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, các vùng kinh tế khó khăn… Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay toàn tỉnh đã kết nạp được trên 9.600 đảng viên mới, nâng số đảng viên ở cơ sở xã, phường, thị trấn từ 25.975 đồng chí năm 2008 lên 35.978 đồng chí vào cuối năm 2012. Và tính đến hết tháng 6-2013, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đã lên đến 56.401 đồng chí, trong đó đảng viên dự bị có 4.352 đồng chí, đảng viên nữ có 17.851 đồng chí, đảng viên dân tộc thiểu số có 8.392 đồng chí, đảng viên trong các tôn giáo có 430 đồng chí và đảng viên là đoàn viên thanh niên có 11.841 đồng chí. Công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố, trường học và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã được triển khai tích cực, cơ bản bảo đảm được yêu cầu đề ra. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn có 3 thôn chưa có đảng viên là người tại chỗ (thôn Ea Bar xã Cư Pui, huyện Krông Bông; thôn Tây Hà 1 và Tây Hà 2 xã Cư Pao, thị xã Buôn Hồ), giảm 22 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên so với năm 2008. Toàn tỉnh hiện cũng chỉ còn 32 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có chi bộ, giảm 375 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có chi bộ so với năm 2008.
Cùng với nhiệm vụ phát triển đảng viên và tổ chức đảng ở cơ sở, trong những năm qua, các cấp ủy đảng cũng không ngừng quan tâm và thực hiện có hiệu quả việc đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở cũng như tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy đề ra. Các cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn đã quan tâm và khẳng định được vai trò lãnh đạo chính quyền cơ sở từng bước đổi mới tác phong, lề lối làm việc, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từng bước được nâng lên; hoạt động của chính quyền cơ sở đã dần đi vào nền nếp, công tác cải cách thủ tục hành chính thực hiện khá tốt, giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được thể hiện bằng nhiều hình thức theo hướng dân chủ, công khai, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân… Hoạt động của HĐND ở cơ sở xã, phường, thị trấn cũng đã có nhiều đổi mới, chất lượng hoạt động được nâng lên rõ rệt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng cũng đã thể hiện được vai trò trong việc lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể nâng cao nhận thức trong việc thực thi nhiệm vụ, phát huy được vị trí, vai trò khối đại đoàn kết toàn dân. Nhờ đó, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, thu hút đông đảo hội viên và quần chúng nhân dân tham gia…
Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh khám chữa bệnh cho bà con buôn Đrang Phôk, xã Krông Na (Buôn Đôn). |
Những kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đồng chí Cao Đức Khiêm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thì vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đó là: Chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ ở cơ sở có nơi còn chưa tốt, kỷ luật đảng vẫn chưa nghiêm. Đặc biệt, số đảng viên được phát triển ở thôn, buôn, tổ dân phố còn thấp, nhất là trong vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Mặt trận và các đoàn thể ở một số cơ sở hoạt động vẫn còn mang tính hình thức; chất lượng và hiệu quả của việc đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên ở các đoàn thể chính trị-xã hội chưa cao…
Một trong những hạn chế cần sớm khắc phục nữa, theo đồng chí Trần Phú, đó là một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; chưa tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có hệ thống để tạo nguồn kế cận. Do đó, trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ cơ sở nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu hiện nay. Thậm chí vẫn còn nhiều cán bộ, công chức ở cơ sở chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo nhưng sử dụng chưa đúng với chuyên môn…
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn theo tinh thần Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy thì rõ ràng nhiệm vụ cơ bản và xuyên suốt đối với mỗi cấp ủy chính là không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Cùng với đó là đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa… Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa, theo đồng chí Trần Phú, đó là phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. “Để làm được việc đó thì các cấp ủy phải làm tốt tất cả các khâu trong công tác cán bộ, cụ thể là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm… Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% cán bộ công chức và cán bộ chuyên trách cấp xã có bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên.” - đồng chí Trần Phú chỉ rõ.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc