Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khoá VIII: Đất đai và rừng – những vấn đề "nóng" trong phiên chất vấn

15:07, 13/12/2013

Bước sang ngày làm việc thứ 3, sáng nay (13-12) Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khoá VIII tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Trong phần đăng đàn của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhiều nội dung chất vấn tập trung vào vấn đề đất đai, rừng. Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, đại biểu một số huyện bày tỏ sự băn khoăn về những khó khăn trong việc giải quyết tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng canh tác của người dân. Đại biểu huyện Ea H’leo bày tỏ: Huyện rà soát, thống kê tình hình rừng bị lấn chiếm và phá trước năm 2008 là 1.388,7 ha, từ năm 2008 đến nay là 1.042,06 ha nhưng việc thu hồi để trồng lại rừng gặp khó.

Về ý kiến này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình như sau: Về nguyên tắc rừng và đất rừng bị phá, lấn chiếm phải được kiểm tra, thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật để trồng lại rừng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, giao cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thành lập đoàn kiểm tra, xử lý phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn, kiểm tra, rà soát lập biên bản thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, xác định rõ hiện trạng, thời điểm lấn chiếm, đối tượng phá rừng, chiếm đất và sử dụng đất rừng trái phép, lập phương án xử lý đối tượng vi phạm phá bỏ cây trồng trên đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép, thu hồi đất để trồng lại rừng theo quy hoạch. Đối với rừng, đất rừng bị lấn chiếm từ năm 2008 đến nay thì cương quyết thu hồi, phá bỏ cây trồng trái phép để có kế hoạch trồng lại rừng. Trường hợp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế. Diện tích lấn chiếm từ trước năm 2008 thì thống kê, rà soát và lập phương án để có kế hoạch từng bước xử lý theo hướng người dân cùng với chủ rừng phối hợp trồng lại rừng, người dân được hưởng lợi từ rừng và các cây trồng xen canh khác. Đề nghị UBND huyện Ea H’leo xây dựng phương án, kế hoạch và tập trung cương quyết thực hiện đúng Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh.

Đ bi

Đại biểu trình bày chất vấn tại hội trường

 Về vấn đề đất đai, đại biểu Ybion Niê, huyện Krông Năng đặt câu hỏi: Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2003 thì thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho tổ chức thuộc UBND tỉnh. Sau khi được giao đất, tổ chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và đúng mục đích giao đất. Tuy nhiên, Nông trường Cà phê Dliê Ya, thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim đã được UBND tỉnh cho thuê 619,27 ha để sản xuất kinh doanh nhưng từ năm 1999-2009, nông trường tự san ủi, phân lô và giao đất cho cá nhân làm nhà ở. Cụ thể, đã giao 394 lô đất cho cá nhân, đã làm 229 nhà ở kiên cố, hình thành nên 4 khu dân cư tập trung. Đại biểu chất vấn đơn vị được giao đất phải chịu trách nhiệm cụ thể gì trước sai phạm trên, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào? Cũng liên quan đến đất đai, theo chỉ đạo chung phấn đấu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 85% trong năm 2013. Tuy nhiên đại biểu của huyện Ea H’leo cho biết, hiện trên địa bàn huyện mới đạt 83,1%. Nguyên nhân chưa đạt là do tại Ea Sol, Công ty Cổ phần Xây dựng và môi giới nhà Vinh Hưng, đơn vị trực tiếp đo đạc vẫn chưa hoàn tất các thủ tục. Đại biểu đề nghị sớm giải quyết để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung cấp lần đầu.

Xung quanh những nội dung chất vấn nêu trên, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường giải trình như sau: Việc Nông trường Cà phê Dliê Ya thuộc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Sim tự ý san ủi, phân lô và giao đất cho các cá nhân để làm nhà ở là vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai năm 1998 và năm 2001. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Sim; các vi phạm của đơn vị sẽ được xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 105 ngày 11-11-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của đơn vị này và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm của đơn vị theo quy định của pháp luật. Về dự án đo đạc tại xã Ea Sol, Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng và môi giới nhà Vinh Hưng thực hiện. Đơn vị đã thực hiện đo đạc được 6.682 ha gồm 144 tờ bản đồ. Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra nghiệm thu được 2.025 ha gồm 70 tờ bản đồ và đưa vào kê khai đăng ký. Diện tích 4.657 ha gồm 74 tờ bản đồ sau khi kiểm tra không đạt yêu cầu, vì vậy không nghiệm thu được và chưa phê duyệt bản đồ. Sở đã yêu cầu Công ty hoàn thiện để tổ chức kê khai đăng ký. Tuy nhiên, đến nay Công ty vẫn chưa hoàn thiện xong. Sở Tài nguyên và Môi trường đang xử lý việc chậm tiến độ của Công ty Cổ phần Xây dựng và môi giới nhà Vinh Hưng theo hợp đồng đã được ký kết.

Đàm Thuần – Giang Nam  

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.