Viết tiếp truyền thống quê hương Anh hùng
Xã Cư Pơng (huyện Krông Buk) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bởi trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là vùng căn cứ cách mạng, nơi đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội. Giờ đây, Cư Pơng đã và đang ghi dấu ấn mạnh mẽ bằng chính sự tự lực, tự cường của một vùng đất anh hùng.
Nông dân kể chuyện làm giàu
Cùng với lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Y Hiền Niê (còn gọi là Ama Hậu) ở buôn Adrơng Điết - một nông dân tiêu biểu của xã căn cứ cách mạng Cư Pơng. Đang vào vụ thu hoạch cà phê khá bận rộn, dẫu vậy ông vẫn đưa chúng tôi thăm vườn hồ tiêu 900 gốc cho trái bói năm thứ 2 ở đằng sau nhà. Ama Hậu kể: “Sinh ra, lớn lên ở xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ), đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mình và một vài hộ thanh niên mới lập gia đình ra ở riêng trong buôn vào xã Cư Pơng định canh định cư. Ngoài hơn 1 ha đất do một số hộ vào trước nhường cho để trồng lúa, mình đã nhận khoán trông coi, chăm sóc 10 ha rừng cho Lâm trường Cư Pơng. Khi Lâm trường giải thể, mình quay về làm kinh tế gia đình, với hơn 4,5 đất khai hoang”. Cũng như nhiều nông dân trong xã, khi mới vào đây lập nghiệp, Ama Hậu chủ yếu trồng tỉa lúa rẫy, chỉ đủ lương thực chừng vài tháng. Sau đó, được sự hướng dẫn tận tình của Hội Nông dân các cấp, các chương trình đầu tư của Nhà nước dành cho xã đặc biệt khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi, gia đình Ama Hậu đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cà phê, điều, cây ăn quả. Từ một hộ thuộc diện đói nghèo, giờ đây mỗi năm gia đình Ama Hậu thu về từ 250-300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Không dừng lại ở đó, hai năm trước, sau khi tham dự một lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, Ama Hậu mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu giống Vĩnh Linh. Còn quá sớm để nói về hiệu quả của loại cây công nghiệp này, nhưng chỉ riêng mùa mưa năm nay, Ama Hậu đã bán được hơn 70 triệu đồng từ dây lươn tiêu.
Vào mùa thu hoạch cà phê, mỗi ngày gia đình Ama Éo (người đang vác bao cà phê) phải thuê hơn 10 nhân công để thu hoạch. |
Khởi nghiệp của ông Y Huăt Êban (còn gọi là Ama Éo) ở buôn Adrơng Lớn không thuận lợi như Ama Hậu, nhưng với ý chí tự vươn lên, năm 1994 gia đình đã thoát nghèo, trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã. “Danh tiếng” của Ama Éo không phải do sở hữu nhiều diện tích đất canh tác mà là người trồng cà phê đạt năng suất cao nhất, nhì ở xã. Với 3,5 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh, trung bình mỗi năm gia đình Ama Éo thu hoạch 21-22 tấn nhân. Như một chuyên gia, Ama Éo chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc loại cây trồng chủ lực này: “Cà phê là cây có nhu cầu dinh dưỡng cao nên mỗi năm phải bổ sung thêm 10-15 kg phân chuồng/cây và bón vào sau thu hoạch, phân hóa học bón 3 đợt/năm: vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa. Ngoài ra, mình còn dành thời gian tạo hình cho cây. Thông thường, bà con nông dân thường áp dụng phương pháp nuôi đa thân, cách này có nhược điểm chu kỳ cho trái ngắn chỉ được 5-7 năm. Khắc phục nhược điểm trên, mình nuôi thêm cành vượt thay thế những thân chính có hiện tượng tán dù. Ngoài ra, muốn vườn cà phê phát triển tốt, ít sâu bệnh, mình thường xuyên tỉa bỏ những chồi vượt, những cành bị sâu bệnh hoặc cành ra quả những năm trước chỉ còn 2-3 cặp lá ở đầu cành”. Không chuyên canh cà phê, với 5 ha đất canh tác, Ama Éo còn trồng thêm hồ tiêu, điều và kết hợp nuôi thêm bò tăng thu nhập cho gia đình.
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Nếu hỏi các già làng ở Tây Nguyên về một vùng đất vươn lên mạnh mẽ cả trong thời chiến lẫn thời bình thì người ta sẽ nói ngay là Cư Pơng, nhận xét của một đại tá nguyên chỉ huy Thị đội Buôn Ma Thuột không sai. “Nếu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đồng bào các dân tộc xã Cư Pơng đoàn kết một lòng đi theo Đảng, đứng lên đánh đuổi kẻ thù bảo vệ buôn làng, thì ngày nay bà con phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo. Vì vậy, năm 2010 xã đã được công nhận là xã hoàn thành chương trình 135 giai đoạn II”, ông Y Kha Mlô, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định. Đời sống vật chất – tinh thần phát triển là điều thuận lợi để xã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với xây dựng đồ án và đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Đảng ủy, UBND xã Cư Pơng tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ Chương trình xây dựng NTM đem lại lợi ích thiết thực cho chính mình. Nhờ sự dân chủ, công khai minh bạch trong quá trình thực hiện, chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, bằng chứng là bà con tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng hạ tầng nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, bà con đóng góp gần 10 tỷ đồng kéo trên 14 km điện phục vụ 645 ha đất sản xuất; đóng góp tiền và hàng ngàn ngày công lao động tu sửa 6 phòng học của Trường Tiểu học La Văn Cầu; kiên cố hóa 4,2 km kênh mương, nâng cấp các đập Ea Brơ 3, đập Ea Liăng bảo đảm nước tưới trong mùa khô. Chưa hết, bà con xã Cư Pơng còn tự nguyện hiến gần 20 nghìn mét vuông đất, gần 1.000 cây cà phê, điều và một số loại cây ăn trái khác để mở rộng đường giao thông nông thôn dài gần 8 km, trong đó có 2,7 km đường nhựa, còn lại đường cấp phối.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc