Multimedia Đọc Báo in

Trọn niềm tin với Đảng

07:01, 11/02/2016

Phấn khởi trước những thành công của đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong tỉnh đang ra sức thi đua lao động sản xuất, từng bước đưa Nghị quyết của Đảng  vào cuộc sống. Những niềm tin và hy vọng đang được nhân lên qua mỗi mùa Xuân.

Phát huy nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới

Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông vừa mới hoàn thành, ông Trần Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn 1 (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) phấn khởi: “Đây là năm đầu tiên 165 hộ dân trong thôn được đón mùa xuân mới trên con đường bê tông rộng, thẳng đẹp. Ước mơ thành hiện thực cũng nhờ có nghị quyết soi đường”. Sau Đại hội Chi bộ thôn 1 vào tháng 12-2014, cấp ủy, Ban tự quản, các đoàn thể thôn bắt tay ngay vào thực hiện mục tiêu xây dựng đường giao thông nông thôn như nghị quyết đã đề ra. Các cuộc họp được triển khai nhằm phát huy quy chế dân chủ cơ sở, lấy ý kiến người dân về mức đóng góp, thi công, giám sát công trình. “Những hộ không hưởng lợi trực tiếp đóng góp 200.000 đồng, những hộ dọc hai bên trục đường đóng 50.000 đồng/1m ngang, cứ 5 m ngang mỗi hộ góp 1 ngày công. Để phát huy tính tiền phong, gương mẫu, bên cạnh mức đóng góp chung, mỗi đảng viên góp thêm 1 ngày công làm đường. Cách làm công khai, dân chủ này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân”, ông Minh chia sẻ. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân trong thôn đã đóng góp được 135 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và UBND xã, thôn 1 đã bê tông hóa được 830 m đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. 

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Krông Pắc kiểm tra việc làm đường nông thôn tại xã Hòa Tiến.
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Krông Pắc kiểm tra việc làm đường nông thôn tại xã Hòa Tiến.

Sau khi 19 km đường nội thôn hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng đường, bài toán đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương là làm thế nào để huy động được nguồn lực cứng hóa các tuyến đường. Và vấn đề này đã được đưa vào nghị quyết Đại hội điểm Đảng bộ xã diễn ra vào cuối tháng 3-2015. Ông Phạm Phú Thiên, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kty cho biết: “Ngay sau đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa mới xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết. Mỗi đảng viên, thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới được phân công phụ trách địa bàn từng thôn, phối hợp với chi bộ, ban tự quản tuyên truyền, vận động người dân. Đài truyền thanh xã tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiên tiến”. Nhờ vậy, đến cuối năm 2015, người dân đã đóng góp 1 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để nhựa hóa, bê tông hóa, nâng cấp hơn 10 km đường giao thông nông thôn, 6,5 km đường giao thông nội đồng. “Tuy không phải là xã điểm của huyện nhưng đến nay, Cư Kty là xã đạt nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhất trên địa bàn với 9/19 tiêu chí. Hướng đến mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã quyết tâm thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra”, ông Thiên tin tưởng. 

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Nhằm phát huy thế mạnh của một xã thuần nông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ea Sar (huyện Ea Kar) lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung mọi nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có tính bền vững. Bí thư Đảng ủy xã Lê Hồng An cho biết: “Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Hội Nông dân phối hợp với các trạm khuyến nông của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng; tổ chức cho các cấp ủy chi bộ, cán bộ Hội Nông dân tham quan mô hình trên địa bàn huyện để học tập kinh nghiệm nhằm tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai và điều kiện của địa phương, phối hợp tín chấp cho người dân vay vốn, mua phân bón, vật tư trả chậm… Bên cạnh đó, xã đã trích ngân sách đầu tư xây dựng 25 mô hình chăn nuôi heo rừng, nuôi gà sinh học, trồng cỏ nuôi bò, trồng vải, tiêu tại 13 thôn, buôn trên địa bàn. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ từ 3,5 - 4 triệu đồng tiền giống, phân bón, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật. Các mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn”. 

Gia đình chị Nông Thị Phấn ở thôn 3 có 1 ha đất chỉ trồng mỗi cây sắn, sau khi trừ chi phí thu được 20 triệu đồng/năm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được UBND xã hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình chị mạnh dạn cải tạo một phần diện tích chuyển đổi sang trồng cây vải. Chị Phấn hy vọng: “Cây vải U Hồng hiện đang là cây “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả trên địa bàn xã vì không đòi hỏi vốn đầu tư lớn như tiêu, cà phê lại khá thích hợp với vùng đất này. Vì vậy, sắp tới gia đình tôi sẽ đầu tư nhân rộng diện tích”. Hay như gia đình chị Hoàng Thị Mần ở thôn 3, trước đây chỉ trồng cây hoa màu và chăn nuôi heo theo phương thức truyền thống, nguồn thu nhập không ổn định. Qua tham khảo các mô hình, gia đình chị quyết định quy hoạch lại trang trại, phát triển đa cây, đa con theo thế mạnh của địa phương. Chị Mần cho hay: “Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi giúp gia đình tôi hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, mỗi năm trừ chi phí thu lãi 250 triệu đồng”.

Gia đình chị Phấn và chị Mần chỉ là hai trong số hàng trăm hộ trên địa bàn xã Ea Sar thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Anh Trần Văn Ấm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Qua triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã, kinh tế địa phương đã có bước phát triển vượt bậc, phá bỏ thế độc canh chuyển sang xen canh, đa cây, đa con. Toàn xã đã chuyển đổi 450 ha điều kém hiệu quả sang trồng cây mía và sắn; cải tạo những diện tích đất bạc màu để trồng cây tiêu, vải; lai hóa được 90% đàn bò, heo. Đến nay, xã đã xây dựng được 8 trang trại, 2 tổ hợp tác ca cao, 2 mô hình sản xuất lúa lai, 1 câu lạc bộ nuôi bò vỗ béo, 1 câu lạc bộ nuôi heo rừng. Thu nhập của người dân đã tăng lên 21,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,82% năm 2015.

Để nghị quyết “bén rễ” vào cuộc sống

Không chỉ xã Cư Kty (huyện Krông Bông) và Ea Sar (huyện Ea Kar) mà  ở các địa phương khác trong tỉnh, ngay sau đại hội Đảng, Ban Chấp hành khóa mới đã phân công, kiện toàn bộ máy cán bộ; đồng thời chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, đoàn thể và các chi bộ trực thuộc tổ chức quán triệt nghị quyết đại hội đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết ở các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức sinh động, phong phú như lồng các cuộc họp chi bộ, họp dân, họp chuyên môn hay trên hệ thống loa truyền thanh… tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trên cơ sở đó, mỗi cấp ủy đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó có kế hoạch hành động từng năm, từng quý, từng tháng, từng người phụ trách, bảo đảm vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa Nghị quyết của đảng bộ cấp trên và nghị quyết của Đảng bộ mình với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, khối lượng công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành. Đồng thời, mỗi tổ chức cơ sở Đảng đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện nghị quyết, nhất là người đứng đầu gắn với phát huy mạnh mẽ quy chế dân chủ, cộng đồng trách nhiệm của cả cấp ủy, tổ chức đảng và sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào đại hội Đảng bộ các cấp và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân trong thực hiện các chỉ tiêu mà nghị quyết đã đề ra. 

Có thể thấy, dù mới hoàn thành đại hội nhưng các tổ chức cơ sở Đảng của tỉnh đã và đang tích cực, chủ động trong triển khai, sớm đưa nghị quyết “bén rễ” vào cuộc sống để từ đó tạo ra động lực mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương, đơn vị mình, nhân lên niềm tin và sự kỳ vọng đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.