Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam 30 năm đổi mới qua lăng kính truyền thông thế giới

08:56, 30/12/2016
Năm 2016, Việt Nam đánh dấu chặng đường 30 năm đổi mới. Năm 2016 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng: tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp… Truyền thông thế giới đã có những đánh giá tích cực về các sự kiện trọng đại nói trên.

Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới

Trang tin điện tử Parlamentnilisty.cz (Quốc hội) của Cộng hòa Séc số ra đầu tháng 8-2016 đăng bài viết tựa đề "Thành tựu trong 30 năm đổi mới ở Việt Nam” của tác giả Pavel Herman ca ngợi những thành tựu to lớn Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986. Theo tác giả bài viết, 30 năm đổi mới là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt, sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, từ một quốc gia thuần nông nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới.

Một góc TP. Hồ Chí Minh năm 2016.
Một góc TP. Hồ Chí Minh năm 2016.

Bài viết nhắc lại hoàn cảnh Việt Nam trước khi thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng nhưng từ sau Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường có định hướng, tập trung vào tăng trưởng kinh tế ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, không ngừng nâng cao mức sống của người dân. Nhờ đổi mới, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và ổn định. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đạt trên 7%. Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân hằng năm ở mức 6%. Suốt  30 năm đổi mới, GDP tăng trung bình gần 7%, trong đó có nhiều năm đạt  mức tăng trưởng lên tới 7,4%.  Theo đánh giá của Liên hiệp quốc (LHQ), Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới thành công trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, đáp ứng các yêu cầu của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ. Trước khi đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 58%, đến nay con số này giảm còn 9%. Về đối ngoại, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với gần 180 nước, quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên quy mô toàn cầu. Hiện nay Việt Nam là một thành viên tích cực của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như LHQ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…

Tổng quan kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới là bài viết mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trên trang worldbank.org. Theo WB, công cuộc cải cách kinh tế và chính trị dưới tên gọi “đổi mới” ra đời năm 1986 đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, biến Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Kể từ năm 1990, GDP của Việt Nam tăng trưởng vào loại nhanh nhất thế giới và tiếp tục duy trì cho đến những năm đầu thế kỷ 21. Tăng trưởng kinh tế song song với giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đạt từ 100 USD những năm 1980 lên 2.100 USD vào năm 2015. Dân số Việt Nam có giáo dục tốt hơn, tuổi thọ cao hơn so với hầu hết các nước có thu nhập bình quân đầu người tương tự....

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, song theo WB, Việt Nam vẫn phải tiếp tục chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là ở nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, cũng như những cú sốc kinh tế đang có chiều hướng gia tăng và cực đoan. Để tiếp tục đưa đất nước đi lên, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách, đưa ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001- 2020 (SEDS); trọng  tâm đến cải cách thể chế, cơ cấu, duy trì môi trường bền vững, công bằng xã hội và các vấn đề để ổn định kinh tế vĩ mô. SEDS xác định "khu vực đột phá": thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực/kỹ năng (đặc biệt là kỹ năng cho ngành công nghiệp hiện đại và đổi mới); cải thiện thể chế thị trường; phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài việc xây dựng ba lĩnh vực đột phá nói trên, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội (SEDP) 2011-2015 Việt Nam đã tập trung vào ba lĩnh vực tái cơ cấu quan trọng, gồm ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Chương trình  SEDP cho giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt vào tháng 4-2016 nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy những cải cách tiếp theo cho giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đạt mục tiêu trong chiến lược 10 năm mà Việt Nam đã đề ra.

Đại hội Đảng lần thứ XII: Sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của người dân Việt Nam

Đánh giá về thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tổ chức đầu năm 2016, tờ Daily Times của Pakistan có bài viết tựa đề Election of Vietnamese Communist Party Leadership raise people hope (Bầu cử các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam làm tăng hy vọng cho người dân). Bài viết đề cập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc ngày 28-1 tại thủ đô Hà Nội với một đội ngũ các nhà lãnh đạo mới.

Với tựa đề Re-elected Vietnam communist boss: 'A lot of work ahead' (tạm dịch: Tân  Tổng Bí thư tái cử: Rất nhiều công việc phía trước) của tác giả Thomas Maresca đăng trên tờ USA Today (Nước Mỹ ngày nay) nhấn mạnh, đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của người dân Việt Nam. Đại hội diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng ổn định, đạt 6,68% vào năm 2015. Đó là tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm qua, khi đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước tới nay, khoảng 14,5 tỷ USD. Cũng theo USA Today, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc trở thành thành viên của TPP, thỏa thuận thương mại gồm 12 nước thành viên nhằm hạ thấp các rào cản thương mại. "Trong số 12 quốc gia thành viên TPP, Việt Nam sẽ là quốc gia lợi thế nhất liên quan đến các tác động kinh tế", hãng tư vấn kinh tế Fitch Ratings đánh giá.

Báo chí thế giới đưa tin đậm nét về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Hãng Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đưa tin đậm nét về thành công bầu cử Quốc hội Việt Nam năm 2016. Đánh giá về việc trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, sự kiện Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Chủ tịch Quốc hội, Tân Hoa Xã nhấn mạnh “Bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam giữ vị trí này”. Còn Hãng thông tấn Prensa Latina (Cuba) thì nhận xét, việc trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam đã đạt được bước tiến kỷ lục bằng sự kiện bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, Prensa Latina còn trích dẫn chi tiết trích ngang của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

 

Khắc Hùng

(Dịch từ Net/PC/WB/EAC/USA Today/XHN- 2016)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.