Multimedia Đọc Báo in

Cải cách hành chính - nhìn từ đơn vị dẫn đầu

09:29, 08/09/2017
“Em đến làm thủ tục xác nhận hồ sơ nhập học, được cán bộ hướng dẫn cụ thể, tận tình và giải quyết khá nhanh gọn...”, đó là nhận xét của Đỗ Hoài Nguyên, ở thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) khi được hỏi về việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Quảng Tiến.
 
Tương tự, chị H’Gái Kbuôr, buôn Mlăng, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) cùng có chung cảm nhận: “Đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện để làm giấy tờ chuyển nhượng đất đai, mọi thủ tục đều được hướng dẫn rõ ràng, giải quyết nhanh chóng, không có sự phiền hà, gây khó khăn nào...”.
 
Đó chỉ là hai trong số nhiều ý kiến đánh giá của người dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đối với việc giải quyết TTHC. Để có được sự hài lòng này của người dân là nhờ vào việc chỉ đạo kiên quyết và thực hiện nghiêm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của địa phương. Theo đánh giá xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2016 của tỉnh thì huyện Cư M’gar là địa phương đạt số điểm cao nhất trong tổng số 15 huyện, thị xã, thành phố với tỷ lệ 84,59%.
 
Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định công tác CCHC là yếu tố then chốt, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo điều hành, trọng tâm là cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao đạo đức công vụ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Quảng Tiến (huyện Cư Mgar) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ số CCHC theo quy định, UBND huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc Bộ chỉ số CCHC đối với cấp huyện. Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC tiếp tục được đẩy mạnh; thường xuyên cập nhật tin tức hoạt động, thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng, các văn bản pháp luật có liên quan tại trụ sở; in phát tờ rơi và niêm yết thành phần hồ sơ, quy trình, thời gian, công khai các khoản phí, lệ phí phải nộp để giải quyết các TTHC nơi công sở... Hằng tháng lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân tại các xã, thị trấn và doanh nghiệp, qua đó tiếp thu thông tin phản ánh, kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân trong quá trình thực hiện CCHC của huyện. Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để giải quyết nhanh, gọn theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, phục vụ tốt công tác chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của huyện. Tổ chức, cá nhân nắm bắt rõ hơn về quy trình, hồ sơ, TTHC, từ đó cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân, đem lại sự hài lòng khi đến giao dịch, làm việc.
 
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách TTHC để tăng chỉ số hài lòng của người dân, hộ kinh doanh và hợp tác xã, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động, theo đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định. Kết quả đã rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, trong đó đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh từ 3 ngày theo quy định xuống còn 1 ngày...
 
“Huyện chú trọng công tác giám sát cải cách công vụ, đánh giá từng vị trí công việc; đồng thời chủ động xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, xác minh làm rõ những phản ánh, kiến nghị liên quan đến cán bộ, viên chức có dấu hiệu vi phạm đạo đức công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm. Qua đó từng bước tạo uy tín, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước...”   - ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar.

Lan Anh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.