Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

08:19, 05/12/2017

Nghiên cứu lịch sử Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm hiểu rõ các chặng đường lịch sử của Đảng, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận để vận dụng vào giai đoạn cách mạng hiện nay; đồng thời qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Xác định vai trò quan trọng đó, ngày 28-8-2002 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 15, đến ngày 14-6-2003 Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng. Tuy nhiên, theo đồng chí Lương Văn Nghĩa, Trưởng Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), công tác biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được triển khai rất chậm do nhiều nguyên nhân. Trước tình hình đó, tháng 7-2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 303 ngày 25-7-2016.

Hội thảo lấy ý kiến về công trình Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO (1975-2015). Ảnh: Ban Tuyên giáo
Hội thảo lấy ý kiến về công trình Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO (1975-2015). Ảnh: Ban Tuyên giáo

Sau khi Đề án được triển khai, các huyện đều ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án đến từng xã, phường trên địa bàn; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ địa phương được tăng cường… Nhờ vậy, việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có những chuyển biến rõ nét. Đến nay, sau 1 năm triển khai Đề án 303, toàn tỉnh đã biên soạn, xuất bản được 14 sách lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn; 14/15 huyện, thị xã, thành phố tiến hành biên soạn 34 công trình lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn.

 

Một khó khăn không nhỏ trong công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử đó chính là việc phân bổ kinh phí cho các địa phương đã xây dựng được kế hoạch thực hiện Đề án. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy thì việc tạo điều kiện đầu tư kinh phí cho công tác này cũng cần phải quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa.”

Đồng chí Lương Văn Nghĩa

Đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các địa phương đã chịu khó nghiên cứu, thu thập tư liệu từ các văn bản hiện đang lưu giữ tại địa phương cũng như từ các đồng chí cán bộ qua các thời kỳ ở địa phương... Đa số các công trình được triển khai đúng quy trình khoa học. Các ấn phẩm có chất lượng, phản ánh được quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của từng đảng bộ và phong trào cách mạng của địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Theo thống kê, từ 2002 đến nay, các ngành, địa phương đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, chỉnh biên xuất bản hơn 100 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Trong đó, cấp tỉnh đã biên soạn, xuất bản 3 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh và nhiều ấn phẩm khác; cấp huyện 15 ấn phẩm; cấp xã, phường, thị trấn có 14 đầu sách được xuất bản và 34 công trình đang tiến hành biên soạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí Lương Văn Nghĩa, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử; đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở cấp huyện chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, thiếu nghiệp vụ chuyên môn về công tác lịch sử Đảng. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn tư liệu lịch sử gặp nhiều khó khăn do việc lưu trữ các nguồn tư liệu thời kỳ chiến tranh bị thất lạc nhiều, các nhân chứng lịch sử còn lại rất ít…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc