Multimedia Đọc Báo in

Dân vận khéo ở phường Ea Tam

08:40, 14/05/2018

Nhờ đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đã có nhiều đổi thay đáng kể về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Trần Văn Đại, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, Trưởng Khối Dân vận phường Ea Tam cho biết: Thời gian qua, Đảng bộ phường đã chỉ đạo duy trì tốt 11 tổ dân vận tại 11 tổ dân phố (TDP) trên địa bàn tuyên truyền vận động nhân dân cùng nhau đoàn kết  giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa… Đặc biệt, việc thực hiện chủ trương làm đường giao thông nông thôn và phong trào tiết kiệm làm theo lời Bác đã được các tổ chức, đoàn thể và người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, tạo khí thế và sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Tiêu biểu trong phong trào tiết kiệm làm theo lời Bác là mô hình “Nuôi heo đất” và góp vốn cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay của Chi hội phụ nữ TDP 6. Chị H’Vil Mlô, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ TDP 6 cho hay: Hiện chi hội có 20 phân hội với 350 hội viên, 100% các chị đều tham gia đóng góp để xây dựng quỹ và nuôi heo đất từ tiền tiết kiệm nhằm giúp đỡ hội viên khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, chi hội đã huy động được gần 70 triệu đồng để cho 11 lượt hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Cũng từ nguồn quỹ trên, chi hội đã thăm hỏi, động viên, giúp đỡ hàng chục chị em trong những lúc ốm đau, bệnh tật hay gặp bất trắc trong cuộc sống…

Mô hình Nuôi heo đất của Chi hội phụ nữ TDP 6, phường Ea Tam.
Mô hình Nuôi heo đất của Chi hội phụ nữ TDP 6, phường Ea Tam.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Ea Tam Vũ Thị Hiền, ngoài mô hình “Nuôi heo đất” và đóng góp quỹ giúp đỡ hội viên khó khăn, các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường còn vận động từ nhiều nguồn quỹ khác nhau và nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp chị em phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Điển hình là trường hợp chị Lê Thị Bích Châu ở TDP 7. Một mình nuôi 2 con ăn học nhưng không có nghề nghiệp ổn định nên 3 mẹ con chị phải chật vật bươn chải kiếm sống. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã đứng ra ủy thác giúp chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và 3,5 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo. Nhờ nguồn vốn này, chị Châu đầu tư buôn bán, thu nhập ngày càng ổn định. Năm 2017 gia đình chị đã thoát nghèo.

Con đường khang trang mới được người dân TDP 5 bê tông hồi đầu năm 2018.
Con đường khang trang mới được người dân TDP 5 bê tông hồi đầu năm 2018.

Đưa chúng tôi đi thăm những con đường bê tông khang trang nối liền các tổ liên gia vừa mới được hoàn thành hồi đầu năm 2018, Tổ trưởng TDP 5 kiêm Tổ trưởng Tổ dân vận Bùi Minh Giang phấn khởi chia sẻ: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa làm đường giao thông, từ đầu năm 2017, TDP đã tổ chức họp dân để thống nhất phương án làm đường và sân hội trường TDP. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cấp ủy chi bộ và chính quyền thống nhất thực hiện xã hội hóa nguồn vốn với phương châm “người dân tự chủ 100%”, người dân tự thành lập ban giám sát, ban xây dựng... Nhờ dân chủ trong cách làm, từ đầu năm 2017 đến nay người dân TDP 5 đã đóng góp được hơn 1 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.000 m2 sân hội trường TDP và bê tông 1 km đường giao thông nối liền các tổ liên gia.

Đồng chí Nguyễn Đức Tưởng, Phó Bí thư Đảng ủy phường đánh giá: Nhờ triển khai đồng bộ và nhân rộng phong trào thi đua "Dân vận khéo” từ phường đến cơ sở mà vai trò của Đảng ủy, cấp ủy chi bộ trực thuộc và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động quần chúng được phát huy; nội dung các mô hình "Dân vận khéo” từng bước được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở. Từ đó đã tập hợp, động viên được đông đảo nhân dân tham gia vào phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của địa phương.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.