Những điển hình dân vận khéo ở Ea Knuêk
Thời gian qua, phong trào Dân vận khéo tại xã Ea Knuêk (huyện Krông Pắc) luôn được duy trì và phát triển rộng khắp. Thông qua đó đã xuất hiện các điển hình dân vận khéo góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Khéo” trong xây dựng NTM
Những năm gần đây, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) tại thôn Tân Hòa 2 được triển khai sâu rộng. Đặc biệt, phong trào nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong thôn như hiến đất, đóng góp tiền bạc, ngày công để hoàn thành nhiều hạng mục cần nhiều vốn đầu tư (làm gần 6 km đường giao thông, 4 km đường điện, hội trường thôn…) góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Để có được thành quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của lực lượng “dân vận khéo” tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1950) là một trong số đó. Ông Năm vốn là cán bộ nhà nước đã về hưu, con cái đều lập nghiệp ở ngoài tỉnh nên có thể sau này ông sẽ không gắn bó tại địa phương, nhưng hễ có phong trào gì ông Năm luôn là người đi đầu đóng góp, tham gia họp bàn, đến tận từng gia đình để vận động người dân và luôn được người dân tin tưởng làm theo.
Ông Lê Văn Duyệt (bìa trái) đến vận động xây dựng NTM tại một hộ dân trong thôn 2. |
Ở thời điểm này, khắp các tuyến đường nội thôn Tân Hòa 2 đều đã được cứng hóa, còn một số tuyến đang trong quá trình mở rộng đường. Hằng ngày, ông Năm đi giám sát chặt chẽ thợ làm đường và giải quyết những mâu thuẫn, thắc mắc của người dân trong quá trình làm. Ông cho biết, muốn người dân đồng tình, bản thân phải là người đi đầu, thu chi tài chính minh bạch, công khai. Riêng ông đã nhiều lần bỏ tiền túi ra để bồi dưỡng thêm cho thợ làm đường, hội trường chứ không bao giờ đụng chạm đến tiền đóng góp của người dân. Bên cạnh đó, ông Năm còn huy động 3 người con của ông dù không sinh sống tại địa phương, nhưng vẫn tham gia đóng góp xây dựng NTM để người dân trong thôn học tập.
Đặc biệt, trước đây trong thôn có 1 đoạn đường cụt đi qua 6 hộ dân, đoạn đường nhỏ hẹp chưa đầy 2 m, nắng bụi, mưa lầy rất khó khăn cho đi lại, vận chuyển hàng hóa. Mới đây, ông Năm cùng cán bộ thôn phải tổ chức họp cùng 6 hộ này để bàn về việc mở rộng, cứng hóa tuyến đường. Bên cạnh đóng góp 6 triệu đồng như người dân trong thôn, 6 hộ này còn đóng thêm 5 triệu/hộ đồng thời giải phóng mặt bằng để đường rộng đủ 4 m. Ông Năm cho biết, ban đầu ý kiến này không được người dân đồng tình do vừa phải đóng thêm tiền lại mất đất, cây trồng lâu năm trên đất, nhưng với quan điểm nếu làm đường người hưởng lợi nhiều nhất là 6 hộ dân tại đây nên sau 4 cuộc họp, với sự phân tích kỹ càng, hợp lý toàn bộ 6 hộ tại đây đã đồng ý thực hiện.
“Khéo” nắm bắt nguyện vọng của người dân
Không chỉ làm tốt công tác vận động xây dựng NTM mà ông Lê Văn Duyệt (sinh năm 1953), Trưởng ban Công tác mặt trận tại thôn 2 còn được người dân tin tưởng, chia sẻ nhiều khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống như mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai…
Ông Duyệt cho biết, để làm tốt công tác dân vận, ông thường tổ chức các cuộc họp dân, tham gia vận động nhằm lấy sự đồng thuận trong nhân dân. Khi người dân chưa hiểu, chưa chấp hành thì ông tìm đến tận nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để phân tích, giải thích những khúc mắc kịp thời. Chính vì vậy mà ông được người dân trong thôn tin tưởng bầu làm Phó ban giám sát xây dựng NTM tại thôn. Nhờ làm tốt công tác dân vận, góp phần xây dựng thôn 2 đạt thôn văn hóa đầu tiên tại xã, cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp, đến nay chỉ còn cứng hóa 2 km đường giao thông nữa là thực hiện dứt điểm tiêu chí giao thông.
Ông Nguyễn Văn Năm (thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuêk) vận động người dân giải tỏa mặt bằng để làm đường giao thông. |
Không chỉ trong công tác xây dựng NTM, ông Duyệt còn được người dân địa phương tin tưởng nhờ phân giải giúp nhiều vụ mâu thuẫn, từ hôn nhân đến tranh chấp đất đai... Đơn cử như đầu tháng 5 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Liễu và ông Trần Mậu Tiến xảy ra tranh chấp đất tại bờ ranh của 2 gia đình. Ngay khi nhận được thông báo, ông Duyệt mời địa chính xã dò lại diện tích đất của 2 gia đình được Đội sản xuất phân chia trước đó rồi tiến hành đo đạc lại phần đất của 2 bên. Sau đó, tổ chức hòa giải để hai bên gia đình sống hòa thuận, đoàn kết giúp nhau vươn lên trong cuộc sống... Qua những trường hợp như thế, ông Duyệt đã rút ra nhiều kinh nghiệm để kịp thời xử lý những khó khăn, bức xúc một cách thấu tình đạt lý, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Nhờ có những điển hình “dân vận khéo” như ông Năm, ông Duyệt mà thôn Tân Hòa 2, thôn 2 luôn là hai đơn vị đi đầu trong mọi phong trào tại địa phương, là tấm gương cho các thôn, buôn khác học tập, làm theo góp phần xây dựng xã Ea Knuêk ngày càng phát triển.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc