Multimedia Đọc Báo in

Thông cáo báo chí

07:50, 14/09/2018

Trong hai ngày, từ 5 đến 6 - 9 - 2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy họp kỳ 48 đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

1. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm:

1.1. Đối với đồng chí Nguyễn Năng Chung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin.

Trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ đảng viên, đồng chí Nguyễn Năng Chung có thiếu sót, khuyết điểm:

 Đồng chí Nguyễn Năng Chung có con đẻ là Nguyễn Năng Tài, đã lập gia đình và đang sinh sống ở tỉnh Đắk Nông sử dụng trái phép chất ma túy đá, bị Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt giữ. Tuy đồng chí Nguyễn Năng Chung không chịu trách nhiệm trực tiếp nhưng có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người thân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo quy định của Điều lệ Đảng.

Đồng chí Nguyễn Năng Chung kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 không đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17-7-2013 của Chính phủ.

Với chức trách là Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Năng Chung chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc khối Nhà nước quản lý, dẫn đến một cán bộ nộp bảng kê khai tài sản, thu nhập không đúng thời gian quy định.

Sau khi xem xét các nguyên nhân khách quan, chủ quan; tinh thần tự giác nhận khuyết điểm và hứa khắc phục, sửa chữa, rút kinh nghiệm; năm 2017 đồng chí đã khắc phục, kê khai tài sản đầy đủ, UBKT Tỉnh ủy không thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật; yêu cầu đồng chí Nguyễn Năng Chung nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

1.2. Đối với đồng chí Trần Đức Lanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nguyên Trưởng Phòng Nội vụ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc.

Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc nhiệm kỳ 2005 - 2010 (từ tháng 8-2008) và nhiệm kỳ 2010 - 2015, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, đồng chí Trần Đức Lanh có những khuyết điểm, vi phạm trong việc:

Tham mưu UBND huyện cho chủ trương hợp đồng giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục công lập vượt chỉ tiêu biên chế được giao với số lượng lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng, khó giải quyết, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.

Tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục công lập không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, không tham mưu thực hiện công tác quy hoạch cán bộ quản lý trường học; tham mưu bổ nhiệm 32 phó hiệu trưởng khi không có quy hoạch, trong đó bổ nhiệm thừa 27 trường hợp so với quy định.

Sau khi xem xét mức độ, tính chất, tác hại của khuyết điểm, vi phạm, UBKT Tỉnh ủy thống nhất thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Trần Đức Lanh.

2. Xem xét, thi hành kỷ luật đảng

2.1. Đối với đồng chí Nguyễn Lương Hòa, Đại tá, nguyên Chính ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.

Trong thời gian giữ cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Nguyễn Lương Hòa có khuyết điểm, vi phạm:

Chịu trách nhiệm với các khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên khu vực biên giới thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý.

Công tác giáo dục đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý thức trách nhiệm đạt hiệu quả chưa cao, một số đảng viên, cán bộ, chiến sĩ còn chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

2.2. Đối với đồng chí Phạm Quang Hùng, Đại tá, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.

Với trách nhiệm là Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng chí Phạm Quang Hùng có khuyết điểm, vi phạm:

Chịu trách nhiệm với các khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên khu vực biên giới thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý trong thời gian qua.

Trách nhiệm là Chỉ huy trưởng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về bố trí, sử dụng lực lượng quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng trên khu vực biên giới thuộc địa bàn  quản lý còn hạn chế, sơ hở. 

2.3. Đối với đồng chí Trần Ích Thà, Đại tá, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.

Với chức trách là Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng chí Trần Ích Thà có khuyết điểm, vi phạm:

 Chịu trách nhiệm với các khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên khu vực biên giới thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý.

Việc chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác quản lý, bảo vệ biên giới có thời điểm chưa chặt chẽ, sâu sát; thiếu kiểm tra khi ký công văn cho phép ông Phan Hữu Phượng tiếp tục đưa người, phương tiện vào khu vực biên giới để vận chuyển gỗ, trong khi ông Phan Hữu Phượng đã vận chuyển hết khối lượng gỗ mua qua đấu giá.

2.4. Đối với đồng chí Tống Anh Tuấn, Đảng ủy viên, Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.

Với chức trách là Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng chí Tống Anh Tuấn có khuyết điểm, vi phạm trong việc chỉ đạo nắm tình hình khu vực biên giới có thời điểm chưa sâu sát; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động vi phạm quy chế biên giới nên một số đối tượng lợi dụng sơ hở, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên khu vực biên giới thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý.

Sau khi xem xét các nguyên nhân khách quan, chủ quan; cân nhắc nhiều mặt, xét thấy: Sau khi vụ việc xảy ra các đồng chí trên đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc; bản thân các đồng chí đã tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm. Vì vậy, UBKT Tỉnh ủy không thi hành kỷ luật, không đề nghị thi hành kỷ luật; yêu cầu các đồng chí nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

3. Xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng

Sau khi xem xét đơn khiếu nại của đồng chí Phạm Phương Hà, nguyên đảng viên thuộc Đảng bộ xã Krông Búk, huyện Krông Pắc và báo cáo kết quả xem xét, giải quyết khiếu nại của Đoàn kiểm tra, nhận thấy đồng chí Hà có vi phạm như đã nêu tại Quyết định số 609-QĐ/HU, ngày 02-5-2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc; hình thức kỷ luật Khai trừ đối với đồng chí Phạm Phương Hà là thỏa đáng, UBKT Tỉnh ủy quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Phạm Phương Hà.

4. Xem xét, kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát theo Chương trình 2018:

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp.

Kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của ban Chấp hành Đảng bộ huyện đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Kar.

Giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch số 16-KH/TU, ngày 31-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đề án số 04 - ĐA/TU, ngày 17-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2017 – 2020 đối với đồng chí Phạm Đăng Khoa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi nghe Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của các đoàn kiểm tra, giám sát, UBKT Tỉnh ủy đã kết luận rõ các ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung được kiểm tra, giám sát. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức đảng, cá nhân được kiểm tra, giám sát nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, có kế hoạch khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.