Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện và vận dụng sáng tạo Chỉ thị 05 vào thực tiễn (Kỳ cuối)

07:49, 14/09/2018

[links(left)]

Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng việc học và làm theo Bác 

Chỉ thị 05 có nội dung rộng lớn, sâu sắc và toàn diện nên việc học tập và làm theo Bác không chỉ về tư tưởng, đạo đức mà còn học cả phong cách của Người. Chính vì vậy, vấn đề chọn khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng việc học và làm theo gương Bác là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.

Nhìn nhận rõ một số hạn chế

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác quán triệt, học tập, cũng như xác định được nội dung đột phá trong triển khai thực hiện nên việc xây dựng nội dung, chương trình còn chung chung, chưa sát với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Nhiều cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa thực sự nêu gương, chưa chấp hành tốt lề lối, kỷ cương, kỷ luật, vẫn còn những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa dân…

Lãnh đạo UBND huyện Ea Kar kiểm tra tình hình sản xuất của người dân xã Ea Sô.
Lãnh đạo UBND huyện Ea Kar kiểm tra tình hình sản xuất của người dân xã Ea Sô.

Công tác thông tin, tuyên truyền có thời điểm chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm được các cấp ủy đảng lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết chưa đạt hiệu quả cao. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế đã và đang tác động xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tác động không nhỏ đến việc học tập và làm theo gương Bác.

 
“Kế hoạch, khâu đột phá trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định rõ, nhưng để đem lại hiệu quả thiết thực, rõ nét thì công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò quan trọng. Các cấp ủy đảng không chỉ tập trung rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của cơ quan, đơn vị, địa phương mà còn kiểm tra trách nhiệm của cấp ủy các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Ngoài những hạn chế chung thì tại mỗi địa phương, đơn vị còn có những hạn chế trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05. Phó Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Nay Phi La thẳng thắn nhìn nhận: Tuy đã có nhiểu đổi mới trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 nhưng trên thực tế, một số chi bộ khi tổ chức sinh hoạt định kỳ chưa thường xuyên lồng ghép nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung sinh hoạt chuyên đề chưa thiết thực; một số tổ chức cơ sở đảng chưa xác định rõ nội dung đột phá, trọng tâm của đơn vị, cơ quan mình.

Bí thư Huyện ủy Ea Kar Kiều Thanh Dũng thì cho rằng: Chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng nhìn chung chưa bám sát yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo Bác phù hợp với thực tiễn và từng đối tượng nên việc triển khai một số hoạt động, phong trào còn mang tính hình thức, chưa tác động đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn...

Chọn khâu đột phá để thực hiện

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là hình thức, khẩu hiệu mà trở thành công việc thường xuyên đối với toàn Đảng bộ, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định gắn việc học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân để tập trung giải quyết như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, khai thác cát làm sụt lở đất nông nghiệp, bồi thường, giải phóng mặt bằng, ổn định dân cư, bổ nhiệm cán bộ quản lý, lãnh đạo ở các cấp…

Ông Y Yơh Kbuôr (bìa trái) - già làng,Trưởng ban công tác Mặt trận buôn Kmrơng Prông A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tuyên truyền, vận động người dân di dời hàng rào mở rộng đường giao thông.
Ông Y Yơh Kbuôr (bìa trái) - già làng,Trưởng ban công tác Mặt trận buôn Kmrơng Prông A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tuyên truyền, vận động người dân di dời hàng rào mở rộng đường giao thông.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn, nội dung đột phá quan trọng nhất trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05 là công tác cán bộ. Chính vì vậy, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII và Kế hoạch số 10-KH/TW của Bộ Chính trị về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng việc đổi mới phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo theo hướng dân chủ, quyết đoán, sâu sát, cách mạng và khoa học; kiên quyết đấu tranh, phê bình, kiểm điểm và xử lý nghiêm đối với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các hành vi tham ô, tham nhũng, lạm quyền để trục lợi cá nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên"... nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Xuân – Lê Lan

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.