Kỷ niệm 25 năm thành lập Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên (1993 – 2018)
VOV Tây Nguyên - chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, năm 1993, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã quyết định thành lập Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên tại thị xã (nay là thành phố) Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. VOV Tây Nguyên có nhiệm vụ chính là tuyên truyền, phản ánh toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên để đưa lên sóng phát thanh Quốc gia của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1994, chỉ sau 1 năm thành lập, VOV Tây Nguyên đã chính thức phát sóng chương trình phát thanh tiếng Êđê. Từ thời điểm đó, Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên được lãnh đạo VOV giao thêm nhiệm vụ tổ chức sản xuất và truyền dẫn phát sóng trực tiếp các chương trình phát thanh tại chỗ. Đến nay, hằng ngày cơ quan thực hiện sản xuất và phát sóng từ 5 giờ sáng đến 22 giờ 30 với các chương trình thời sự, chuyên đề, ca nhạc dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên bao gồm 6 thứ tiếng: Êđê, J’rai, Bahnar, Xơ Đăng, K’ho và M’nông và chương trình Thời sự Tây Nguyên bằng tiếng phổ thông ở khu vực Tây Nguyên; tiếp sóng hai thứ tiếng dân tộc Thái và Hmông phát trên sóng phát thanh của Ban dân tộc (VOV4) khu vực Tây Nguyên. Việc đưa tiếng nói của các dân tộc Tây Nguyên lên làn sóng phát thanh Quốc gia – phát thanh bằng ngôn ngữ của dân tộc mình không chỉ thể hiện sự tôn vinh về mặt chính trị đối với các dân tộc thiểu số mà còn đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Các phóng viên VOV Tây Nguyên chuẩn bị cho buổi tường thuật trực tiếp. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê
|
Trên chặng đường 25 năm ấy, cán bộ, phóng viên VOV Tây Nguyên luôn bám sát địa bàn, thông tin kịp thời những sự kiện đáng chú ý trong khu vực, nhất là mỗi khi xảy ra thiên tai, lũ lụt; giới thiệu những cách làm hay, những mô hình sản xuất giỏi; tổ chức những tuyến tin, bài về những vấn đề lớn: xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ rừng... Những thông tin này đã góp phần tạo ra hình ảnh về Đài Tiếng nói Việt Nam như là nhịp cầu thân thiết nối lòng dân với ý Đảng, góp phần khơi dậy và lan tỏa thêm phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đội ngũ đảng viên, cán bộ và nhân dân trong khu vực. Trong thời điểm tình hình an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên có những diễn biến phức tạp, VOV Tây Nguyên đã dành thời lượng tin, bài thích hợp đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, kích động, lôi kéo của thế lực phản động ngoài nước; phản ánh về thái độ tích cực của đồng bào trước những diễn biến của tình hình và sự ăn năn, hối cải của những người lầm lỗi được đưa ra kiểm điểm trước nhân dân.
Các phát thanh viên, biên tập viên tiếng dân tộc tại VOV Tây Nguyên. |
Nhiều phóng viên, biên tập viên người dân tộc thiểu số tại VOV Tây Nguyên luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu những vấn đề khó, đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu. Các biên tập viên tiếng dân tộc thiểu số là những chuyên gia về biên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại. Trong 10 năm (từ 2007 đến 2017), đội ngũ phóng viên của VOV Tây Nguyên đã có 11 tác phẩm đoạt giải báo chí Quốc gia và hàng chục tác phẩm đoạt giải các kỳ Liên hoan phát thanh toàn quốc, Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam và giải báo chí ngành, địa phương.
Với những thành tích đạt được, Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất vào các năm 2004, 2008 và 2015; được Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc nhiều năm liền. VOV Tây Nguyên cũng vinh dự được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm, động viên chia sẻ và đánh giá cao.
Lê Xuân Lãm
Ý kiến bạn đọc