Multimedia Đọc Báo in

Xác định ba nhiệm vụ trọng tâm, đưa Cư M'gar phát triển nhanh, bền vững

09:37, 18/08/2020
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ huyện Cư M'gar đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đề ra đều đạt và vượt. Điều đáng nói là toàn Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần dân chủ, năng động và sáng tạo; chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình, tạo sự đột phá trên nhiều lĩnh vực.
 
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 13.530 tỷ đồng (tăng 1,62 lần so với năm 2015). Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 85 triệu đồng.
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng, trong đó, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm gần 39,3% (giảm gần 11,5%); công nghiệp - xây dựng gần 21,8% (tăng hơn 3%); thương mại - dịch vụ hơn 38,9% (tăng gần 8,2%). Nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng cao, bền vững gắn với thị trường. Các cây trồng chủ lực gặp nhiều khó khăn đã được chuyển sang trồng xen canh, đa dạng hóa các loại cây trồng khác. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp ước đạt 17% (tăng 6% so với năm 2015).
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm mô hình sản xuất cà phê bền vững tại Hợp tác xã Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar).  Ảnh: Công Phong
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm mô hình sản xuất cà phê bền vững tại Hợp tác xã Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar). Ảnh: Công Phong
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng phát triển khá, giá trị sản xuất hằng năm đều tăng. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa hằng năm tăng mạnh, giá trị năm 2020 ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 3.290 tỷ đồng so với năm 2015.
 
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Cư M'gar đề ra mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt từ 8 - 9%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 125 triệu đồng/năm; tổng huy động vốn toàn xã hội 5 năm đạt 42.900 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng bình quân hằng năm 10% trở lên... Tỷ lệ nâng cấp nhựa hóa, bê tông đường huyện đạt 100%, đường đô thị đạt 100%, đường xã đạt 100%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5% mỗi năm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% trở lên...

Công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được tập trung triển khai quyết liệt với nhiều cách làm hay và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Kết cấu hạ tầng được quan tâm xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Đến nay, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện đạt 100%, đường đô thị đạt 85%, đường xã đạt 80%, đường trục thôn, xóm đạt 67%, cứng hóa đường nội đồng đạt 65%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. 

Nhân dân địa phương đã đóng góp trên 51 tỷ đồng, 21.670 ngày công và hiến gần 58.000 m 2 đất để xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 13/15 xã hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Một số xã tiếp tục đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Song song đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có nhiều tiến bộ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện....
 
Đồng chí Nguyễn  Đình Viên,  Bí thư  Huyện ủy  Cư M'gar  (bìa phải) tham quan gian  trưng bày  sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của  địa phương.   Ảnh: Lan Anh
Đồng chí Nguyễn Đình Viên, Bí thư Huyện ủy Cư M'gar (bìa phải) tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của địa phương. Ảnh: Lan Anh
Những kết quả thắng lợi trong nhiệm kỳ qua là cơ sở, nền tảng để Đảng bộ huyện xác định phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Cư M'gar xác định ba nhiệm vụ trọng tâm để tạo động lực phát triển huyện là: tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chọn cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường và kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.
 
Huyện Cư M'gar là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, giao thông đi lại kết nối thuận lợi... Đảng bộ và nhân dân huyện nhà có truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường. Lợi thế này cộng với những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực đạt được trong những năm qua là những yếu tố để đưa huyện phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực trong công tác; quyết tâm xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh toàn diện.
 
Nguyễn Đình Viên
Bí thư Huyện ủy Cư M'gar
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.