Đồng chí Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn: Cần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ở phần đánh giá những kết quả đạt được, trên lĩnh vực kinh tế, cụ thể là lĩnh vực du lịch, tôi rất tâm đắc với nhận định “du lịch phát triển khá”.
Điều này biểu hiện cụ thể qua con số ấn tượng là doanh thu từ du lịch đạt 4.231 tỷ đồng, với hơn 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 9,3%. Điều đó cho thấy Đắk Lắk đã trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút ngày càng đông du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Với lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan hùng vĩ, nguyên sơ, thơ mộng và nhiều địa danh nổi tiếng đã được định danh trên bản đồ du lịch như Hồ Lắk, Buôn Đôn cùng với việc kết hợp, khai thác, lồng ghép vào những lễ hội văn hóa đặc sắc như: Lễ hội đua voi, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột… khiến du khách tìm đến với Đắk Lắk ngày càng nhiều.
Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr. |
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì chúng ta vẫn chưa khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của du lịch Đắk Lắk, biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo như tinh thần của Chương trình số 15-Ctr/TU ngày 13-7-2017 của Tỉnh ủy. Theo tôi, muốn hiện thực hóa Chương trình số 15 của Tỉnh ủy, chúng ta cần tạo sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa ở lĩnh vực này; cần xem xét, nghiên cứu đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi, có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó cần chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh thành, tạo sự kết nối với khu, điểm du lịch của tỉnh và các địa phương khác trong khu vực. Ngoài ra, ngành du lịch cần tập trung nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo sức hút cho du khách khi đến với Đắk Lắk để họ không chỉ thỏa mãn về cảnh quan, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng mà còn hài lòng về cơ sở vật chất, hệ thống lưu trú, nhà nghỉ đầy đủ tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu. Có như vậy thì cùng với thế mạnh về cây công nghiệp, ngành “công nghiệp không khói” sẽ có nhiều đóng góp quan trọng vào ngân sách, giúp Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đăng Triều (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc