Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ở huyện Cư M'gar: Chuyển biến từ "3 đột phá" (Kỳ 2)

16:13, 09/09/2020

Kỳ 2: Chuyển biến rõ nét từ xác định đúng khâu đột phá

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05, việc học và làm theo lời Bác đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và cụ thể của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Cư M'gar. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng đã nêu cao ý thức, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, thiết thực trong học tập và làm theo gương Bác bằng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Nét đẹp trong thực hiện văn hóa công vụ

Từng bước xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa công vụ là một trong những nội dung đột phá được Huyện ủy Cư M’gar xác định là “đòn bẩy” để tăng hiệu suất công việc, thúc đẩy sự phát triển, người cán bộ thực sự tròn vai “là công bộc của dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả của việc “làm theo Bác" đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, từng địa phương, ban, ngành đã xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với đơn vị mình. 

Nhiều đơn vị, cơ quan hành chính sự nghiệp thực hiện việc học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tác phong làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết nội bộ; thực hành tiết kiệm trong chi phí xăng xe, điện nước, điện thoại...

Tiêu biểu như Kho bạc Nhà nước huyện làm theo gương Bác trên từng vị trí công việc, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, kiểm soát chi tiêu ngân sách nhà nước hợp lý. Trung tâm Y tế huyện xây dựng tiêu chí cụ thể đối với từng bộ phận khám chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao trách nhiệm y đức trong đội ngũ y, bác sĩ. Ngành giáo dục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác gắn với phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức về tự học và sáng tạo"…

Hội Liên hiệp Phụ nữ  xã Ea M'droh tặng  dê giống giúp hội viên nghèo  gây dựng kinh tế  gia đình.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea M'droh tặng dê giống giúp hội viên nghèo gây dựng kinh tế gia đình.

Nhờ lựa chọn khâu đột phá bám sát với yêu cầu thực tiễn về công tác cán bộ ở địa phương nên đã tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, ứng xử của từng cán bộ, đảng viên khi làm nhiệm vụ. Học theo tác phong làm việc của Bác “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, gần dân, lắng nghe dân nói…, nhiều  cán bộ, đảng viên đã làm theo và được nhân dân tin yêu, ủng hộ.

Tạo sức lan tỏa từ các mô hình tiết kiệm

“Thực hiện tiết kiệm theo gương Bác” là một trong những nội dung đột phá được cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện tích cực hưởng ứng và đã trở thành phong trào sôi nổi trên địa bàn.

Ở lĩnh vực giáo dục, điển hình như các thầy cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (xã Cư M’gar) đã thành lập quỹ giúp đỡ học sinh nghèo thiếu quần áo, sách vở; lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo các suất ăn trưa bán trú tại trường. Một số trường như Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thị trấn Quảng Phú), Trường THPT Cư M’gar… còn xây dựng phong trào “Nuôi heo đất” giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Về cá nhân, có thể kể đến chị H’Lê Na Drơng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Kroa A (xã Ea Drơng) đã vận động hội viên đóng góp, cho mượn 15 con giống để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế; anh Nguyễn Trung Hải (Ban Chỉ huy Quân sự huyện) đã xây dựng nhóm thiện nguyện vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng góp trên 3,5 tỷ đồng giúp đỡ 320 hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 10 căn nhà Tình thương tặng các gia đình khó khăn về nhà ở; Đại đức Thích Minh Đăng, trụ trì chùa Hoa Nghiêm đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp trên 9 tỷ đồng hỗ trợ xây mới 20 căn nhà Tình thương tặng người nghèo, vận động xây dựng 2 công trình vệ sinh tặng các trường học…

 
"Việc cụ thể hóa thực hiện nội dung đột phá về xây dựng chuẩn mực đạo đức đã góp phần tăng cường xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể trên địa bàn".
 Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M'gar Lê Nam Cao
 

Tiêu biểu trong phong trào này, không thể không nhắc đến Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư M'gar. Với hội viên phụ nữ, việc thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác để giúp nhau phát triển kinh tế, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất đã thành việc làm thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động xây dựng được 7 mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, 197 mô hình “Nuôi heo đất”... với số tiền gần 350 triệu đồng và trên 3.700 kg gạo, hỗ trợ gần 600 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em tàn tật trên địa bàn. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng 18 mô hình “Tổ, nhóm tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế” vận động mua được 120 thẻ bảo hiểm y tế tặng học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn;  xây dựng 47 mô hình “Mỗi cơ sở Hội là một địa chỉ nhân đạo”... Nhờ sự tương trợ, giúp đỡ mà nhiều gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo đã được tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống...

Huy động nguồn lực bảo vệ môi trường sống

Ngoài các phong trào của tuổi trẻ như “Chủ nhật xanh”, “Thứ bảy tình nguyện”; phụ nữ với mô hình "Đường hoa", "Con đường tự quản"… công tác bảo vệ môi trường còn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm với việc vận động Quỹ xây dựng công trình vệ sinh trong các trường học.

Ngày hội đập heo đất của Hội Phụ nữ xã Cư Dliê M'nông để hỗ trợ kinh phí, giúp hội viên khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Ngày hội đập heo đất của Hội Phụ nữ xã Cư Dliê M'nông để hỗ trợ kinh phí, giúp hội viên khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.

Trong số 91 trường học trên địa bàn, vẫn còn nhiều trường học có điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc học tập của học sinh. Đặc biệt là các khu nhà vệ sinh trong trường học chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa ảnh hưởng đến sức khoẻ của học sinh. Tháng 9-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M'gar đã phát động và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tự nguyện tham gia đóng góp Quỹ xây dựng công trình vệ sinh các trường học.

Đến nay đã có 22 tập thể, cá nhân tham gia, đóng góp được hơn 93 triệu đồng, 4 đơn vị đăng ký xây mới 4 nhà vệ sinh cho các trường. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã thực hiện tốt việc vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp sửa chữa công trình vệ sinh các trường học trên địa bàn xã, thị trấn góp phần từng bước nâng cao chất lượng vệ sinh học đường.

Đỗ Lan

 

 


Ý kiến bạn đọc