Multimedia Đọc Báo in

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Những "cam kết" mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu của nhiệm kỳ

08:51, 16/10/2020

Một trong những điểm đổi mới của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ được xây dựng và thông qua ngay trong đại hội. Sự đổi mới này giúp các chủ trương, quyết sách được đề ra tại đại hội sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.

Với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp, Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Đại hội thông qua chiều 15-10 vừa qua càng khẳng định đây là nhiệm kỳ có nhiều bước đi đột phá để xây dựng Đắk Lắk phát triển xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng

Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Chương trình hành động đã đề ra 8 giải pháp căn cơ: Tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh; Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; Tập trung phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, xây dựng đô thị hiện đại; Tích cực huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, xây dựng chính phủ điện tử.

Ưu tiên đầu tư phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế.    Ảnh: Hoàng Tuyết
Ưu tiên đầu tư phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế. Ảnh: Hoàng Tuyết

Đại biểu Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc tin tưởng, những đổi mới của nhiệm kỳ 2020 - 2025 chắc chắn sẽ tạo những bước đi đột phá thúc đẩy Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông để kết nối vùng, giữa các địa phương trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khâu vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa nông nghiệp của các địa phương có thế mạnh. Đảng bộ huyện cũng đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông trọng yếu, các tuyến đối ngoại, kết nối phát triển du lịch, logistics như: Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, các tuyến tỉnh lộ kết nối giữa các huyện, đặc biệt đề nghị Trung ương sớm hiện thực hóa tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang nhằm khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng Tây Nguyên; đề xuất Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch cho tỉnh Đắk Lắk mở cảng cạn trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Một trong những giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đại biểu Phạm Hữu Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng: Đề án về khai thông Cửa khẩu Đắk Ruê/Đắk Lắk (Việt Nam) - Chi Miết/Mondulkiri (Campuchia) và xây dựng khu vực Cửa khẩu Đắk Ruê đã được đưa vào Chương trình hành động cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong việc tạo sự kết nối giữa Đắk Lắk với khu vực tam giác phát triển thông qua Cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk xứng tầm là trung tâm vùng Tây Nguyên.

             Giảng viên  Trường Đại học  Tây Nguyên  thực hiện  nghiên cứu khoa học.   Ảnh: Lan Anh
Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện nghiên cứu khoa học. Ảnh: Lan Anh

Đại biểu Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang thực hiện quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế thì việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ và cũng là giải pháp trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới là tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá, đặc biệt là Dự án xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế...

Tập trung xây dựng chính quyền điện tử

Trước xu thế hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Để từng bước thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk. Đây là Trung tâm đóng vai trò hạt nhân của đô thị thông minh và là nền tảng tích hợp các thành phần điều hành thông minh ở các lĩnh vực theo Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh.

 

Với tinh thần quyết tâm lớn, nỗ lực cao, hành động quyết liệt, các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, nội dung được cụ thể hóa trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII chắc chắn sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra”.

 
 
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường

Các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số bước đầu đã được hình thành, phát triển nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, việc kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành đến nay vẫn chưa thực hiện được, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn thấp, hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra... Vì vậy, để đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của chính quyền điện tử, chính quyền số trong định hướng phát triển chung của tỉnh, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực cho chính quyền điện tử, chính quyền số, trong đó quan tâm đào tạo đội ngũ chuyên gia, tạo lực lượng nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng cho phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tại các sở, ngành, địa phương. Ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, phổ cập các kiến thức, kỹ năng số cần thiết, cơ bản cho mọi đối tượng trong xã hội, tạo điều kiện hòa nhập cuộc sống số. Phối hợp với các doanh nghiệp để cung ứng các dịch vụ công thông qua mạng bưu chính công ích, mạng xã hội, ứng dụng của doanh nghiệp.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.    Ảnh: Hoàng Gia
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: Hoàng Gia

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hoàng Giang, bên cạnh các giải pháp trên, cần xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chính quyền điện tử, chính quyền số vào các bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI Index), bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), xây dựng bộ công cụ để giám sát, đánh giá mức độ, hiệu quả triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số. Đồng thời, thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho chính quyền điện tử, chính quyền số; phát triển các doanh nghiệp công nghệ số để làm chủ các công nghệ cốt lõi trong chính quyền điện tử, chính quyền số như: công nghệ điện toán đám mây, bảo mật, an toàn, an ninh thông tin, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu...

Phấn đấu là trung tâm giáo dục - y tế của khu vực

Để xây dựng tỉnh Đắk Lắk xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc hình thành các trung tâm giáo dục – y tế của khu vực để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân trong vùng. Đây cũng là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được “cam kết” trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan mô hình STEM dành cho học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du.    Ảnh: Hoàng Gia
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan mô hình STEM dành cho học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ảnh: Hoàng Gia

Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa (XHH). Đại biểu Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác XHH đúng hướng, hiệu quả, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư nhân; rà soát quy hoạch của ngành, lĩnh vực để chuẩn bị nội dung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm nghiên cứu để dành quỹ đất phù hợp, làm cơ sở lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức XHH trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tích cực chỉ đạo, phối hợp tốt với nhà đầu tư trong công tác lập, phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm rút ngắn thời gian đầu tư, sớm đưa dự án đầu tư vào hoạt động. UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện các dự án XHH để môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cải thiện vượt bậc.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện ca phẫu thuật đặt stent can thiệp tái thông tắc nghẽn động mạch vành.    Ảnh: Kim Oanh
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện ca phẫu thuật đặt stent can thiệp tái thông tắc nghẽn động mạch vành. Ảnh: Kim Oanh

Khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao là “chìa khóa” hữu hiệu để Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng thực hiện thành công công cuộc đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, khai thác sức mạnh của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo đại biểu Lê Đức Niêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Nguyên, cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả về thể lực, trí lực, nhân cách và năng động xã hội. Mục tiêu chính của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn đáp ứng nhu cầu tương lai khi cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk chuyển dịch, tạo đà cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhất là trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển hệ thống dịch vụ logistic và hoạt động khởi nghiệp.

Lê Hương - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.