Khúc tưởng vọng ân tình (Kỳ 2)
Những tháng cuối năm 2020, mưa bão, lũ lụt xảy ra liên miên. Vậy nhưng khó khăn của thời tiết không ngăn được sự mỏi mòn mong ngóng của các thân thân liệt sĩ. Họ sẵn sàng ngược gió mưa để đưa các liệt sĩ về lại cội nguồn, cùng quây quần trên chính quê hương của mình…
Đón liệt sĩ về nơi chôn nhau cắt rốn
Với chị Cao Thị Ngư - con gái duy nhất của liệt sĩ Cao Xuân Khanh, ký ức về bố hiện hữu qua những lời mẹ kể. Gác lại nỗi niềm riêng, ông lên đường nhập ngũ khi vợ vừa mới mang bầu đứa con đầu lòng. Họ chia xa cùng ước hẹn về một tương lai hạnh phúc với những đứa con ngoan, xinh xắn. Nhưng chiến tranh đã xóa tan tất cả, ông chỉ gặp lại con gái duy nhất một lần khi cô đã hơn 1 tuổi, rồi mãi mãi nằm lại nơi chiến trường…
Thân nhân đến đón liệt sỹ Lưu Như Đình về với quê nhà. |
Giữa tháng 11 vừa qua, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, chị Ngư đã cùng các thân nhân từ Hải Dương vào Đắk Lắk đón bố về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Đây là lần thứ hai chị gặp lại bố, tuy không bằng da bằng thịt, nhưng cũng đủ để chị và cả nhà vỡ òa nỗi niềm đằng đẵng đợi chờ. Chị cho hay, từ rất lâu rồi, gia đình có nguyện vọng được đưa bố về quê hương để tiện bề hương khói, thăm nom. Dù rằng ký ức về bố không nhiều, nhưng chị và mọi người luôn tự hào về bố.
Sau hai lần trực tiếp vào Đắk Lắk kiếm tìm thông tin và 48 năm mỏi mòn mong ngóng, cuối cùng, ngày 18-11 vừa qua, gia đình liệt sĩ Bạch Văn Ao (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng thỏa ước nguyện. Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk sau chuyến đi dài, họ nhẹ nhàng lau dọn, sắp đặt mâm lễ lên phần mộ, rồi khấn hương xin đón liệt sĩ trở về. Trong chuyến đi lần này chỉ có 3 người thân liệt sĩ, tuy nhiên ở hậu phương là cả đại gia đình ngóng đợi. Gần như mọi hoạt động của hành trình, họ đều quay clip, chụp ảnh thường xuyên để gửi về cho cả nhà cùng theo dõi. Ông Nguyễn Xuân Trường, em rể liệt sĩ thông tin: “Mọi người thành kính dành hẳn một ghế ngồi cho liệt sĩ trên chuyến xe trở về. Dù rằng, người đã khuất chỉ còn nắm di cốt nhỏ, được gói ghém gọn gàng, nhưng với cả gia đình, anh ấy vẫn như người đang sống…”.
Sau khi có kết quả giám định ADN, rất nhiều thân nhân liệt sĩ của Trung đoàn 25 có nguyện vọng được đón các anh về nguồn cội để tiện cho việc thăm nom, nhang khói. Tính đến cuối tháng 11-2020 đã có 7 liệt sĩ về với đất mẹ yêu thương, đó là các liệt sĩ: Chu Bá Đằng, Trương Trọng Định, Lê Đức Đông, Lưu Như Đình, Cao Xuân Khanh, Bạch Văn Ao, Lê Văn Bàng. Và thời gian tới đây, con số ấy sẽ còn tiếp tục được nối dài trong sự đón nhận thấm đẫm tình thân và tình đồng đội.
Mãi mãi tri ân
Những ngày hỗ trợ thân nhân các liệt sĩ đón nhận hài cốt trở về, cán bộ quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh vô cùng tất bật. 17 năm gắn bó với công việc quản trang, ông Nguyễn Xuân Hòa được nhiều thân nhân liệt sĩ quý mến bởi rất trách nhiệm và nhiệt tình. Từng là quân nhân, lại dày dặn kinh nghiệm công tác ở nghĩa trang, ông Hòa xem các liệt sĩ được chôn cất tại đây như chính người thân, đồng đội. Vì vậy mà bất kể mưa bão, hay đêm khuya, chỉ cần các gia đình có nguyện vọng được cất bốc mộ liệt sĩ, thì ông và đồng nghiệp đều không nề hà.
Cán bộ quản trang cùng thân nhân, đồng đội hỗ trợ cất bốc hài cốt liệt sĩ Bạch Văn Ao. |
Ngoài hướng dẫn địa điểm, ông trực tiếp giúp gia đình cất bốc, gói di cốt cẩn thận và hướng dẫn thực hiện các nghi lễ cần thiết trước khi trở về đất mẹ yêu thương. Ông tâm sự: “Tổ quản trang dù ít người, công việc nhiều, nhưng rất giàu tình cảm. Từ trong thâm tâm mình, với các thành viên tổ quản trang, được hỗ trợ thân nhân cất bốc mộ liệt sĩ về với cội nguồn vừa là trách nhiệm, vừa là cách để chúng tôi tri ân những người đã hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc”.
“Với các thân nhân có nguyện vọng đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương an táng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, tận tình hướng dẫn các thủ tục để họ đưa hài cốt liệt sĩ về được trang nghiêm, chu đáo, đúng quy định của pháp luật”. Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) |
Cùng với người thân, tại các buổi làm thủ tục cất bốc hài cốt liệt sĩ còn có nhiều người là đồng đội, đồng hương liệt sĩ. Có người ở ngay TP. Buôn Ma Thuột, nhưng cũng có những người ở tận các huyện vùng xa vẫn sẵn sàng đội mưa gió để đến tiễn đồng đội về với quê nhà. Trong đó, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sương luôn có mặt không kể đêm ngày. Vừa tham gia làm các thủ tục, ông vừa thủ thỉ chuyện trò, tâm tình với người đã khuất trong không khí ấm tình đồng chí đồng đội. Ông vẫn luôn tâm niệm rằng, được góp sức hỗ trợ đồng đội tìm lại tên và về an nghỉ tại quê hương là cách mà người lính may mắn sống sót, được hưởng hòa bình, độc lập hôm nay nên làm và sẽ tiếp tục làm.
Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, theo kế hoạch, giữa tháng 12-2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức lễ công bố kết quả giám định ADN đối với 34 liệt sĩ của Trung đoàn 25. Chương trình sẽ mời thân nhân của tất cả các liệt sĩ này về Đắk Lắk để cùng dự lễ và sẽ đón tiếp họ một cách chu đáo, trọng thể nhất.
Như vậy, sau một hành trình dài bền bỉ, dẫu lắm khó khăn nhưng thấm đẫm tình người, cuối cùng nhiều liệt sĩ đã được trả lại tên và trở về quê hương trong vòng tay yêu thương của thân nhân và đồng đội. Dù còn đó rất nhiều liệt sĩ vẫn đang nằm lại giữa chiến trường, chưa thể xác định được danh tính, thông tin, nhưng hành trình tri ân các anh chưa bao giờ kết thúc. Từ trong trái tim những người được hưởng tự do, độc lập hôm nay luôn mãi mãi nhớ ơn những người anh hùng.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc