Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Tạo đột phá trong cải cách hành chính

06:22, 11/03/2021

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả phục vụ… là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời cũng là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC), góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Buôn Ma Thuột thời gian qua.

Là người thường xuyên liên hệ làm các hồ sơ TTHC tại UBND phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột), ông Trần Đại Việt (tổ dân phố 2, phường Thống Nhất) cho biết: Mỗi khi có nhu cầu liên hệ giải quyết TTHC ở phường, ông đều được cán bộ phường hướng dẫn tận tình. Việc giải quyết hồ sơ diễn ra nhanh chóng; các TTHC được phường niêm yết công khai, rõ ràng và ông cảm thấy rất hài lòng với thái độ phục vụ của cán bộ, công chức UBND phường.

Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Buôn Ma Thuột.
Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Buôn Ma Thuột.

Không chỉ riêng ông Trần Đại Việt, theo phản hồi từ phía người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột qua điều tra, khảo sát cho thấy mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức đạt tỷ lệ 99,03%. Đạt kết quả ấy là sự nỗ lực của các cấp, ngành, với quyết tâm thay đổi trong công tác quản lý, điều hành, triển khai toàn diện các nhiệm vụ của cơ quan hành chính. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện kỷ cương, công vụ được nâng lên. Chất lượng công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, TTHC được nâng cao, thời gian giải quyết hồ sơ được đảm bảo, đặc biệt có nhiều hồ sơ trả trước hạn và không có hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn.

Bên cạnh đó, TP. Buôn Ma Thuột cũng chú trọng thực hiện các biện pháp, giải pháp nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Qua đó đã có nhiều mô hình hay được áp dụng trong công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC tại phường, xã. Có thể kể đến đơn vị điển hình như: UBND phường Thống Nhất với sáng kiến tuyên truyền qua việc phát wifi miễn phí (trước khi đăng nhập wifi miễn phí của phường, cá nhân, tổ chức sẽ được xem video tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4); thành lập đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, gồm: cán bộ, công chức chuyên môn, cán bộ các tổ chức đoàn thể và ban tự quản tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến khi có nhu cầu; triển khai trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà cho người dân thông qua các hội, đoàn thể ở phường. Nhờ đó, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại phường Thống Nhất vượt chỉ tiêu đề ra (mức độ 3 đạt 66%, mức độ 4 đạt 100%)…

 
Công tác CCHC của TP. Buôn Ma Thuột thời gian qua đạt nhiều kết quả, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về Chỉ số CCHC. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính và là nền tảng quan trọng để thành phố triển khai thực hiện công tác CCHC ở mức độ cao hơn trong giai đoạn tiếp theo…”.
 
Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột

Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới nền hành chính công hiện đại, minh bạch, hiệu quả, TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng thông tin: Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố và UBND các phường, xã đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản, điều hành (Idesk) để nhận và gửi văn bản; sử dụng chứng thư số, chữ ký số; duy trì các phần mềm ứng dụng chuyên ngành phục vụ các cơ quan chuyên môn như: Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, phần mềm kế toán, phần mềm tư pháp - hộ tịch, phần mềm Vilis 2.0, phần mềm quản lý giáo dục MOET; đồng thời triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến 21 phường, xã và kết nối với tỉnh. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC từ thành phố đến phường, xã đã bố trí máy tính, máy scan phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trang bị hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC thành phố và 10/21 phường, xã…

TP. Buôn  Ma Thuột  đẩy mạnh  ứng dụng  công nghệ  thông tin  trong cải cách hành chính.
TP. Buôn Ma Thuột đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

Đặc biệt, Đề án “Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh” giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được HĐND tỉnh thông qua là một định hướng quan trọng, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Tin rằng việc triển khai, thực hiện Đề án hiệu quả sẽ góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; cung cấp các dịch vụ công chất lượng, kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững… để phấn đấu đến năm 2030 TP. Buôn Ma Thuột cơ bản trở thành đô thị thông minh, đô thị trung tâm hiện đại kết nối chiến lược khu vực Tây Nguyên.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.