Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông dân và nông nghiệp
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho sĩ nghèo ở nông thôn.
Từ nhỏ Người đã quen thuộc với hình ảnh lam lũ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; chứng kiến sự áp bức tàn độc của giai cấp tư bản Pháp cùng địa chủ phong kiến đối với người nông dân, sự thiếu thốn đói khổ của một nền nông nghiệp nô dịch. Chính vì vậy, Người đã sớm nhận thức được trách nhiệm phải giải phóng cho giai cấp nông dân và phát triển nền nông nghiệp đem lại đời sống ấm no cho nhân dân cũng như nhìn thấy vai trò to lớn của giai cấp nông dân và vấn đề nông nghiệp (lương thực) đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trong “Chính cương vắn tắt” được Người chắp bút năm 1930 đã khẳng định: “Làm tư sản dân quyền cách mệnh - Đánh đổ chế độ tư bản - Lập nên chính phủ công - nông binh”. Xác định rõ lực lượng nòng cốt của cách mạng là công - nông, “công nông là gốc của cách mạng”.
Năm 1941, từ nước ngoài trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh đã chủ trì triệu tập Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 5-1941. Qua hội nghị này, Người cùng với Đảng ta đã thành lập nên Mặt trận Việt Minh (tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đề ra Mười chính sách Việt Minh, trong đó thể hiện sự quan tâm của Người với vấn đề nông dân và nông nghiệp: “Nông dân có ruộng có bò/Đủ ăn đủ mặc chẳng lo cơ hàn”.
Bác Hồ tát nước chống hạn cùng bà con nông dân ở cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ngày 12-1-1958. |
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta phải luôn quan tâm chăm sóc đến lợi ích thiết thân, thiết thực về mọi mặt của giai cấp nông dân, đặc biệt là vấn đề thuế nông nghiệp và vấn đề ruộng đất. Chỉ khi nào Đảng ta làm được như vậy thì mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của giai cấp nông dân không phải riêng ở thời kỳ giải phóng dân tộc mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong mọi thời kỳ cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Lúc này đất nước đang trong thế ngàn cân treo sợi tóc, đàng ngoài 20 vạn quân Tưởng với danh nghĩa vào giải giáp quân Nhật song thực chất là “Diệt Cộng cầm Hồ”, đàng trong thực dân Pháp với sự yểm trợ của thực dân Anh đã nổ súng quay lại xâm lược nước ta. Với nhãn quan chính trị chiến lược sâu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta từng bước khôn khéo đẩy lùi được quân Tưởng để tránh cùng lúc đối đầu với hai kẻ thù. Bên cạnh đó về đối nội đã thực hiện nhiều chính sách ưu việt. Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm ngay - Làm cho dân có ăn - Làm cho dân có chỗ ở - Làm cho dân được học hành”. Và Người huấn thị: “Chúng ta giành được độc lập rồi mà dân vẫn đói khổ, độc lập rồi mà dân vẫn chịu rét và dốt thì độc lập đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết độc lập thực sự khi họ không còn đói, không còn rét, không còn dốt nữa”.
Năm 1947, Người viết tác phẩm nổi tiếng “Đời sống mới” nhằm đưa lối sống mới đến với toàn thể dân tộc Việt Nam dưới chế độ mới, trong đó về cơ bản chủ yếu là giai cấp nông dân (lúc này trong cơ cấu dân số Việt Nam có tới hơn 90% là nông dân). Qua đó ta thấy Người không những quan tâm đến lợi ích vật chất mà còn rất quan tâm đến lợi ích tinh thần của nông dân. Năm 1949, Người viết tiếp tác phẩm “Dân vận” nổi tiếng, một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của nhân dân, trong đó có giai cấp nông dân.
Theo Hồ Chí Minh, vị trí của cán bộ công chức, viên chức là đầy tớ trung thành của nhân dân, vì vậy phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cho nhân dân hiểu và biết những việc họ được quyền biết, được quyền bàn bạc và kiểm tra cũng như những công việc người dân phải làm. Bước sang giai đoạn chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ vào những năm 1952 - 1953, Người cùng với Đảng ta thực hiện một cuộc cách mạng ruộng đất vô cùng quan trọng “Lấy đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo”. Đây là cuộc cách mạng được các nhà nghiên cứu sử học khẳng định như một bước nhảy cơ bản, một động lực to lớn góp công vào đại thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đánh thắng giặc Pháp xâm lược.
Trong bản “Di chúc” được Người viết từ năm 1965 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn chúng ta phải quan tâm đến lợi ích vật chất và tinh thần của toàn thể nhân dân: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân”, phải đặc biệt quan tâm đến giai cấp nông dân và vấn đề nông nghiệp. Người căn dặn: “Phải miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát lòng, mát dạ, thêm niềm tin phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Lời căn dặn di huấn của Bác đã đi cùng năm tháng, giúp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn tiếp bước vững mạnh trên con đường mà Người và Đảng cùng với dân tộc ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Lê Hữu Dũng
(Trường Chính trị tỉnh Ðắk Lắk)
Ý kiến bạn đọc