Cần chú trọng hơn công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên đảm bảo về chỉ tiêu và chất lượng. Qua đó, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực.
Nhận thức được tính chất quan trọng của công tác tạo nguồn có ý nghĩa quyết định đến số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên, đến công tác phát triển đảng viên, trong những năm vừa qua, nhiều cấp ủy đã có chủ trương đúng đắn, sáng tạo, vận dụng cụ thể trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn thuộc 15 huyện, thị, thành phố.
Công tác tạo nguồn phát triển Đảng được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, thống nhất từ khảo sát đánh giá nguồn, đến thống kê về số lượng, phân tích đánh giá về chất lượng và xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, quản lý, quy hoạch nguồn.
Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ thôn 14, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp). Ảnh: Nguyễn Xuân |
Theo thống kê, từ năm 2016 đến năm 2020, tổng số quần chúng ưu tú ở các thôn, buôn được cử đi học lớp nhận thức về Đảng là 6.538 người, chiếm tỷ lệ 51,3% so với tổng số quần chúng tham gia lớp học nhận thức về Đảng. Cụ thể: Năm 2016 là 1.414 người; năm 2017 là 1.340 người; năm 2018: 1.338 người; năm 2019: 1.179 người và năm 2020: 1.265 người.
Nhiều thôn, buôn với đặc thù địa bàn vừa rộng, lại là địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn về quản lý nhưng các cấp ủy đảng, nhất là đảng bộ cơ sở và các chi bộ trực thuộc đã chủ động rà soát, đánh giá được cơ sở nguồn, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nguồn và phát triển nguồn từ trong các tổ chức quần chúng.
Đặc biệt, các cấp ủy đảng đã phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong việc phát hiện nguồn, đề xuất, giới thiệu và bồi dưỡng nguồn. Việc kết hợp chặt chẽ giữa vai trò của các tổ chức quần chúng trong giới thiệu nguồn với sự rà soát đánh giá của cấp ủy các cấp đã khắc phục được những khó khăn trong công tác tạo nguồn ở cơ sở.
Việc thực hiện quy trình kết nạp, thẩm định hồ sơ, thẩm tra lý lịch, tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng; công tác bồi dưỡng đảng viên mới thường xuyên được quan tâm. Nhiều tổ chức đảng đạt và vượt về chỉ tiêu kết nạp; trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận của đội ngũ đảng viên ngày càng được nâng cao. Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã kết nạp được 17.176 đảng viên; riêng đảng viên được kết nạp ở các thôn, buôn là 4.639 người, chiếm 27% tổng số đảng viên kết nạp. Cụ thể, năm 2016: 941 đảng viên, chiếm 25,3%; năm 2017: 953 đảng viên, chiếm 26%; năm 2018: 965 đảng viên, chiếm 27,2%; năm 2019: 888 đảng viên, chiếm 26% và năm 2020: 892 đảng viên, chiếm 32,6%.
Để công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên thực sự phát huy hiệu quả, ngày càng nâng cao chất lượng, cần tiếp tục quán triệt cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ đảng viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tạo nguồn, phát triển đảng viên.
|
Mặc dù số lượng quần chúng được kết nạp vào Đảng ở các thôn, buôn chưa đạt so với chỉ tiêu đưa ra nhưng tỷ lệ quần chúng được kết nạp ở các thôn, buôn có xu hướng tăng qua các năm.
Điều này không chỉ cho thấy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với cơ sở nói chung và thôn, buôn nói riêng trong việc tạo nguồn, phát triển đảng viên mà còn thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chi bộ, đoàn thể ở các thôn, buôn cũng như nhận thức được nâng lên của quần chúng ưu tú đối với Đảng.
Nhiều cấp ủy đảng đã đề ra biện pháp cụ thể, sát thực, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng cho quần chúng; trong công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy đảng nắm vững phương châm, phương hướng kết nạp đảng viên theo tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và cấp ủy cấp trên; đồng thời vận dụng cụ thể, linh hoạt vào điều kiện của mỗi thôn, buôn. Các cấp ủy đảng đã chú trọng và quan tâm làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện đảng viên sau kết nạp. Vì vậy, đội ngũ đảng viên đã phát huy tốt vị trí, vai trò của mình.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tạo nguồn và phát triển Đảng còn một số hạn chế, như: Một số tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, còn có hiện tượng nặng về đáp ứng chỉ tiêu số lượng, coi nhẹ tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn; có lúc, có nơi hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng, dễ dãi, tùy tiện, buông lỏng quản lý hoặc cứng nhắc; công tác bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đảng viên mới có biểu hiện xem nhẹ, sau lễ kết nạp ít quan tâm đến việc rèn luyện, thử thách, giao nhiệm vụ, đã coi như xong về quy trình công tác phát triển đảng viên; có những chi bộ thôn, buôn nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới…
Thiết nghĩ, để công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên thực sự phát huy hiệu quả, ngày càng nâng cao chất lượng, cần tiếp tục quán triệt cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ đảng viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tạo nguồn, phát triển đảng viên. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng ở thôn, buôn, ở các hợp tác xã, câu lạc bộ, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại; xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên ở thôn, buôn.
Cùng với đó, cần xác định đúng và cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên, điều kiện kết nạp đảng viên ở các chi bộ thôn, buôn; tăng cường tuyên truyền giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đảng, xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn cho quần chúng. Chăm lo xây dựng, củng cố các tổ chức đảng ở cơ sở gắn với việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh làm cơ sở chính trị vững chắc để làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở thôn, buôn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, chi bộ ở cơ sở đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các thôn, buôn..
TS. Nguyễn Thành Dũng
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh