Multimedia Đọc Báo in

Đảng viên giúp dân xóa đói giảm nghèo

08:13, 23/06/2021

Những năm qua, mô hình “Đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ khó khăn” ở xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) đã và đang phát huy hiệu quả, thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu của mỗi cán bộ đảng viên trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn, yên tâm lao động sản xuất.

Ea Ngai là xã thuần nông, diện tích tự nhiên rộng, điều kiện kinh tế của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn… Để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, Đảng ủy xã Ea Ngai đã chỉ đạo các chi bộ phân công mỗi đảng viên phải phụ trách giúp đỡ từ 2 - 5 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nơi cư trú. Mô hình này nhanh chóng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn bộ đảng viên, người dân và ngày càng được nhân rộng, đi vào chiều sâu.

Chị Lê Thị Thùy Dương (ở thôn 9, xã Ea Ngai - bên phải) vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của đảng viên.
Chị Lê Thị Thùy Dương (ở thôn 9, xã Ea Ngai - bên phải) vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của đảng viên.

Bí thư Chi bộ thôn 5 Nguyễn Mạnh Tường cho hay, sau khi được phân công, giao nhiệm vụ, cả 6 đảng viên trong chi bộ đã nhanh chóng bám sát, nắm chắc hoàn cảnh nhóm hộ mình phụ trách, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, các đảng viên chủ động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước do các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như chính quyền địa phương phát động... Đặc biệt, qua công tác nắm bắt tình hình, các đảng viên đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Nhiều hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo được giúp đỡ, định hướng cách làm ăn, hỗ trợ làm các thủ tục vay vốn ưu đãi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Mỗi năm thôn 5 có từ 2 - 3 hộ thoát nghèo.

“Muốn tuyên truyền, vận động được người dân thì bản thân mình phải gương mẫu, từ đó sẽ nâng cao chất lượng đảng viên, góp phần làm cho chi bộ trong sạch vững mạnh”.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Ngai Nguyễn Thị Tâm

Anh Huỳnh Văn Đạt, đảng viên Chi bộ thôn 5 chia sẻ: “Nhờ được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng như kinh nghiệm thực tiễn của gia đình nên tôi hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Dựa vào điều kiện vườn rẫy của từng hộ do mình phụ trách, tôi đã tư vấn họ nên chuyển sang trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp; hướng dẫn cách chăm sóc... Cái chính là mình gương mẫu, làm được nên khi nói thì bà con thấy được hiệu quả mới làm theo. Trong ba hộ tôi phụ trách thì đến nay đã có hai hộ thoát nghèo".

Tại Chi bộ thôn 9, mô hình đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ khó khăn cũng được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Chị Lê Thị Thùy Dương, người dân thôn 9 chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ canh tác độc canh 1 ha cà phê theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất thấp, cuộc sống luôn nghèo khó. Năm 2014, được đảng viên trong thôn hướng dẫn kỹ thuật và cách trồng xen canh các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, tiêu vào cùng một diện tích rẫy nên đến nay gia đình đã thoát nghèo.

Các đảng viên ở xã Ea Ngai tham quan mô hình trồng cà phê theo tiêu chuẩn FLO-CERT.
Các đảng viên ở xã Ea Ngai tham quan mô hình trồng cà phê theo tiêu chuẩn FLO-CERT.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Ngai Nguyễn Thị Tâm, Đảng bộ xã có 16 chi bộ trực thuộc (trong đó có 9 chi bộ thôn) với 168 đảng viên. Với phương châm “Chi bộ nắm làng, đảng viên sát hộ”, những năm qua, việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ gia đình trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua thực tế cho thấy, các đảng viên đã chủ động nắm bắt các thông tin, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời phản ánh, đề xuất lên cấp trên có những hướng giải quyết. Bên cạnh đó, các đảng viên cũng kịp thời vận động, động viên, chia sẻ với những gia đình khó khăn trong cuộc sống, từ đó mối đoàn kết tình làng, nghĩa xóm được nâng lên. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội ở xã Ea Ngai có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt, tình hình an ninh - quốc phòng luôn được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm bình quân từ 2,5 - 3%/năm (trung bình giảm 18 hộ nghèo/năm).

Lê Thành

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.