Cấp ủy thời 4.0 (Kỳ 1)
Họ rất tích cực, chủ động, sáng tạo thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc mạnh dạn, quyết liệt đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và phong cách làm việc. Đó là cách mà các cá nhân và tập thể cấp ủy ấy nhận thức, cụ thể hóa và vận dụng để bắt nhịp với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Kỳ 1: Những “đầu tàu”... học việc
Sự học sẽ chẳng bao giờ có trang sách cuối cùng. Gánh vác trên vai trọng trách là bí thư chi bộ, đảng bộ, chèo lái, vận hành "con tàu" với nhiều sứ mệnh: lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm an ninh, an toàn, ấm no và phát triển cho cuộc sống của người dân thì sự học đó càng chẳng bao giờ có điểm dừng…
Mỗi bí thư chi bộ, đảng bộ chọn cho mình những cách thức khác nhau để học, để bắt nhịp với thời cuộc. Nhưng mẫu số chung ở họ là tinh thần cầu tiến, nhiệt huyết và trách nhiệm.
Chìa khóa công nghệ của Bí thư Đảng ủy xã vùng biên
Tháng 3 năm 2020 là một dấu mốc đặc biệt với Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp Lê Hồng Hạnh. Đó là thời điểm anh về xã vùng biên Ea Bung nhận nhiệm vụ mới trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã. Người đứng đầu cấp ủy cấp xã trẻ nhất huyện lúc đó sẽ tiếp tục "chèo lái" để xã điểm Ea Bung về đích nông thôn mới đúng kế hoạch như thế nào? Đảng bộ xã Ea Bung được Đảng bộ huyện Ea Súp lựa chọn tổ chức đại hội điểm vào tháng 5-2020 sẽ tiến hành ra sao? Với một thủ lĩnh Đoàn “chân ướt chân ráo” về đảm nhiệm vai trò đầu tàu cấp ủy ở một xã vùng biên còn bộn bề khó khăn, những nhiệm vụ quan trọng ấy quả là "lửa thử vàng".
Lãnh đạo cấp ủy cùng cán bộ, công chức xã Ea Bung, huyện Ea Súp trao đổi về ứng dụng công nghệ trong công việc. |
Tiếp cận, tìm hiểu và bắt tay làm với cả núi công việc chất chồng, anh Hạnh tâm sự với chúng tôi về hai áp lực trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới: Một là, sự nghi ngại của mọi người đối với một cán bộ trẻ chưa từng va vấp thực tế tại địa phương. Hai là, áp lực từ chính bản thân khi công việc hoàn toàn mới, có những lúc tưởng như không thể gánh vác được.
Tháo gỡ từng "nút thắt", anh triển khai mọi công việc, hoạt động trên tinh thần dân chủ, thảo luận, công khai. Từ những cuộc trao đổi thẳng thắn với các đồng chí trong Đảng ủy xã, anh Hạnh tự đúc rút và tìm ra "chìa khóa" để mở dần những "cánh cửa" còn khép kín, ít nhiều đã tạo những trở ngại trong quá trình vận hành hoạt động.
Đầu tiên là vấn đề con người, anh cùng tập thể cấp ủy bàn bạc, sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp từng bộ phận, lĩnh vực. Khi năng lực, sở trường của từng người có điều kiện được khai thác, phát huy thì chất lượng công việc cũng chuyển biến. Bước tiếp theo, tân Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung hiện đại hóa phong cách làm việc bằng cách đầu tư 100% trang thiết bị cho cán bộ, công chức, mọi bộ phận đều được kết nối mạng Internet.
Đồng thời đề nghị mọi người tự học, tự hướng dẫn nhau sử dụng thành thạo máy vi tính, các phần mềm văn phòng, kỹ năng ban hành các văn bản. Người nọ bày người kia, từ rất ít người biết áp dụng công nghệ vào công việc, đến nay, hầu hết cán bộ của xã đều sử dụng thành thạo vi tính, điện thoại thông minh. Bắt nhịp với công nghệ thông tin, Bí thư Đảng ủy Lê Hồng Hạnh tiên phong áp dụng mã QR, mạng xã hội Zalo, Facebook vào việc điều hành, thảo luận công việc. Nhờ đó, các văn bản đến – đi được triển khai nhanh chóng, chuyên nghiệp, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính ngay trong nội tại giải quyết công việc giữa các bộ phận của Đảng ủy xã.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung (huyện Ea Súp) Lê Hồng Hạnh (bên phải) cùng nông dân trao đổi về kỹ thuật nâng cao chất lượng vườn cây. |
Cứ thế, hơn một năm về nhận nhiệm vụ mới, "đầu tàu" cấp ủy Lê Hồng Hạnh giúp cán bộ, công chức ở xã vùng biên này tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn và rộng hơn với khoa học công nghệ, mang đến cái nhìn mới mẻ, giản đơn hơn về việc ứng dụng công nghệ 4.0, mà vốn dĩ nhiều người rất ngại tiếp cận.
Nữ cán bộ gánh hai vai nhiệm vụ
7 năm về trước, bước ngoặt trong sự nghiệp của nữ cán bộ huyện Ngô Lan Anh bắt đầu khi chị được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Wer. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Buôn Đôn với hơn 50% dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu bằng nghề nông.
Nếu khởi đầu hành trình mới của chị là chuỗi thử thách với nhiều công việc chưa từng tiếp cận, thì nay trọng trách nhiệm vụ tăng gấp đôi khi Ea Wer được chọn làm xã điểm của huyện trong thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã. Chị Lan Anh bày tỏ: Một mình đóng hai vai, chị luôn nhắc nhở bản thân cân nhắc trong giải quyết và xử lý công việc để không lạm quyền. Không có trường học nào tốt hơn trường học thực tế, nghĩ và xác định như vậy, chị sâu sát, quán xuyến, nắm chắc mọi công việc của xã để lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nghị quyết sát thực. Vì thế, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn về xã đi thực tế cùng chị vào ngày nghỉ cuối tuần, chị rất ủng hộ, thậm chí còn mong muốn cứ được “hẹn hò" và đi thâm nhập cơ sở vào thời điểm ấy; chị cũng thường làm như vậy vì có thời gian để sâu sát hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) Ngô Lan Anh (bìa trái) kiểm tra đường điện ở thôn Nà Ven. |
Với tư duy mới, “mười cái đầu hơn hẳn một cái đầu”, chị luôn khuyến khích đồng chí, cán bộ, công chức của xã… “cãi” lại mình. Việc thẳng thắn trong trao đổi, bàn bạc không khoảng cách trên – dưới, mới – cũ và giữa các cấp sẽ vỡ vạc ra nhiều điều để Đảng ủy, UBND xã tìm được điểm mấu chốt, giải pháp tối ưu nhất cho việc ban hành nghị quyết cũng như chương trình hành động. Đặc biệt, việc bám dân, lắng nghe cử tri trong các buổi tiếp xúc là cơ hội để chị biết bà con gặp khó khăn gì, cần những gì. Vào thứ năm hằng tuần, xã tổ chức tiếp công dân để lắng nghe khiếu nại, tố cáo, phản ánh từ người dân.
Trường học từ nắm bắt thực tế đã cho chị hiểu hơn về điểm mạnh, điểm yếu của địa phương mình. Với hướng làm việc ấy, nữ cán bộ đảm nhiệm hai vai nhiệm vụ Ngô Lan Anh đã và đang cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã giải quyết nhiều khó khăn, bất cập ở một địa bàn còn vô vàn gian khó như Ea Wer. Nổi bật trong số đó là đáp ứng được mong mỏi đã kéo dài nhiều năm qua của người dân thôn Nà Ven về nâng cấp được hệ thống đường, điện; khắc phục việc ngập úng ở thôn 7; từng bước thay đổi nhận thức của bà con về phương thức canh tác, chăn nuôi…
Bí thư chi bộ thôn học vi tính và lai tạo giống bò
“Đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, tôi học được nhiều thứ, trong đó vui nhất là đã biết sử dụng máy vi tính và tự lai tạo thành công giống bò mới”, lời tâm tình của Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông Nguyễn Văn Phước khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Câu chuyện về máy vi tính và lai tạo bò liệu có liên quan gì đến công việc lãnh đạo, chỉ đạo của một bí thư chi bộ thôn như ông?
Nghe ông Phước giãi bày mới hay ông đã có thâm niên làm Bí thư Chi bộ thôn 1 suốt từ năm 2009 đến nay. Với vai trò đứng đầu cấp ủy, điều ông trăn trở nhất là đời sống của người dân trong thôn vẫn không khấm khá lên dù bà con rất cần cù, chịu khó; các đồng chí đảng viên trong chi bộ nhiệt tình, trách nhiệm. Đến năm 2019, tức sau 10 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn 1, ông mới nhận ra rằng nhiệt tình, trách nhiệm chưa đủ và tự soi lại bản thân thì "thủ phạm" khiến mình chậm tiến hơn so với thời cuộc chính là vì “mù” về công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Mỗi tối, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) Nguyễn Văn Phước dành thời gian tra cứu thông tin trên mạng Internet. |
Bắt được “bệnh” ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lúc đó ở tuổi 48, Bí thư Chi bộ thôn 1 Nguyễn Văn Phước bắt đầu đi học đánh máy vi tính. Ông đầu tư gần 5 triệu đồng mua máy vi tính, mỗi tối tập gõ cho thuộc mặt chữ. Quả thực, từ khi biết sử dụng máy vi tính, ông có cơ hội tự học, biết cách tìm hiểu nhiều thông tin hay trên mạng Internet. Rồi ông đăng ký học các lớp về chăn nuôi bò cỏ. Áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, ông tỉ mỉ hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng lúa, nuôi bò; đồng thời cũng là người tiên phong lai tạo thành công giống bò lai 3B ở địa phương. Cuộc sống của người dân thôn 1 nhờ đó mà khấm khá lên, không còn phụ thuộc vào độc canh cây lúa.
Cách thức và không khí sinh hoạt của Chi bộ thôn 1 cũng thay đổi từ khi người đứng đầu cấp ủy nắm được công nghệ. Trước mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, Bí thư Nguyễn Văn Phước thường lên mạng tìm kiếm, cập nhật những thông tin mới, hữu ích để phổ biến thêm. Những nội dung lãnh đạo chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trước đây bế tắc về cách làm thì nay với vốn kiến thức về kỹ thuật tương đối từ “trường học Internet”, đầu tàu cấp ủy của thôn 1 có thể điều hành thảo luận, cùng đảng viên tìm cách triển khai phù hợp, ban hành nghị quyết cụ thể, sát sườn với thực tiễn ở thôn.
Ngày 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Nghị quyết khẳng định cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động. Một trong những chủ trương, chính sách đầu tiên được nghị quyết chỉ ra để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Dòng chảy mới cho những con tàu
Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan