Thực hiện "mục tiêu kép" trong trạng thái "bình thường mới"
Quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số và khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh là công cụ và cơ hội giúp các địa phương vượt qua khó khăn, bứt phá trong trạng thái “bình thường mới” - đó là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Đối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới” vừa được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với một số đơn vị tổ chức.
Công cụ thực hiện “mục tiêu kép”
Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) khẳng định: Để đưa chính sách vào hành động thực tế thì quản trị thực thi là công cụ hữu hiệu, góp phần xử lý tốt mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Quản trị thực thi giúp đánh giá cán bộ khách quan và là một giải pháp quan trọng để khắc phục một trong những yếu kém mà Ðại hội XIII của Ðảng đã chỉ ra là: “…chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp Công an phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện tốt công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. |
Để đẩy mạnh quản trị thực thi cần nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số. Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Công Anh, để thực hiện chuyển đổi số cần quan tâm ba yếu tố cơ bản là: Hạ tầng công nghệ, hệ thống thể chế, chính sách và phát triển nhân tố con người. Trong đó, người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và phương pháp tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số theo lộ trình.
Nhận định Kỷ nguyên số đã bước vào giai đoạn 3 - giai đoạn chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa hoàn thành giai đoạn 1 và 2, nhưng không nhất thiết phải theo tuần tự mà là “3 trong 1”. Thực hiện chuyển đổi số tổ chức cùng với việc số hóa dữ liệu, văn bản lưu trữ, quy trình và sử dụng những công nghệ số mới nhất, giúp công cuộc chuyển đổi số ở nước ta nhanh hơn và rẻ hơn. Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua việc gia tăng các hoạt động không tiếp xúc trực tiếp trong nền kinh tế, trong quản lý nhà nước và trong xã hội. Chuyển đổi số nhằm làm cho chính quyền hiện đại hơn, thông minh hơn, có sức chống chịu cao hơn và là cách tốt nhất để giải quyết các bài toán “mục tiêu kép”.
Tăng trưởng xanh trong trạng thái “bình thường mới”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch, việc chuyển đổi kinh tế từ tăng trưởng “nâu” sang tăng trưởng “xanh” giúp các địa phương thích nghi với nhiều rủi ro khác nhau, tạo ra những dư địa phát triển mới, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, tạo sự phát triển trong trạng thái “bình thường mới” và mang lại lợi ích tổng thể trong dài hạn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng
|
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam chia sẻ: Có hai vấn đề rất quan trọng sẽ đóng góp vào quá trình tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam thời gian tới, đó là vấn đề về chuyển đổi số và quá trình tăng trưởng carbon thấp, xanh hóa nền kinh tế, giúp Việt Nam nắm bắt được cơ hội to lớn mà những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… mang lại.
Bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam cần vượt qua 3 thách thức gồm: sự điều chỉnh chính sách mang tính truyền thống, tăng cường kỹ năng, năng lực của người lao động và năng lực quản trị thực thi. Muốn vượt qua những thách thức này, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương của Việt Nam cần có sự phối hợp, thay đổi trong hành xử, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, hoạch định chính sách về giá đối với tài nguyên thiên nhiên, quan tâm đào tạo lực lượng lao động công nghệ cao và coi trọng tính hiệu quả.
Người dân thực hiện bốc số tự động khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh. |
Khẳng định tăng trưởng xanh cần được coi là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định, phân tích, chứng minh. Trong đó, dẫn chứng sinh động nhất là tỉnh Ninh Thuận.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được tỉnh đặt ra cách đây 10 năm, quyết tâm triển khai và được Trung ương hỗ trợ kịp thời khi quyết định dừng 2 nhà máy điện hạt nhân, giúp Ninh Thuận chuyển hướng chiến lược, tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhờ đó, hiện Ninh Thuận đã có 2.500 MW điện mặt trời và điện gió, lọt vào tốp đầu cả nước về GRDP.
Bên cạnh đó, để biến một vùng đất ít tiềm năng, ít mưa, nắng hạn kéo dài, tỉnh còn tập trung xây dựng nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, chuyển hóa 500 ha đất ven biển hoang hóa thành vùng đất màu mỡ, phát triển cây măng tây xanh và một số cây trồng khác có giá trị gia tăng cao, trở thành đặc sản, đạt chứng nhận 5 sao trong chương trình OCOP quốc gia.
Nguyễn Xuân