Multimedia Đọc Báo in

Mong ước về những thương hiệu nông sản

08:48, 21/02/2011

Trong xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, người nông dân ngày càng năng động, sáng tạo nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai,  mang lại lợi nhuận cao hơn trên cùng một diện tích. Không chỉ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân còn mong muốn tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Giới thiệu mô hình cây ăn trái chất lượng cao. (Ảnh: H.H)
Giới thiệu mô hình cây ăn trái chất lượng cao. (Ảnh: H.H)

Chủ động cung ứng nguồn giống gia cầm
Đã nhiều năm trong nghề sản xuất giống gia cầm, ông Kiều Thơ, chủ cơ sở Nguyệt Thơ (khối 8 thị trấn Ea Knôp, huyện Ea Kar) luôn ấp ủ tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm gà giống của trại. Ông Thơ cho biết, với nhiều nông dân, đất đai không thiếu, nhưng làm thế nào để khai thác hiệu quả kinh tế từ đất là điều không đơn giản. Trước đây, nhiều người đua nhau trồng cà phê, ông cũng trồng được 5 ha. Nhưng qua quá trình sản xuất, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không phù hợp với cây cà phê, hiệu quả kinh tế không cao nên ông quyết định chuyển sang chăn nuôi. Từ bài học trồng cà phê, ông tự nhủ mình không được mạo hiểm mà phải tìm hiểu thật kỹ lĩnh vực mới trước khi đầu tư. Ban đầu, ông thử nuôi gà thịt và không quản ngại đi nhiều nơi tìm hiểu mô hình, học hỏi kinh nghiệm, chủ động tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi gà nên đã áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhận thấy nghề nuôi gà trên địa bàn phát triển mạnh, nhu cầu về gà giống rất cao, nhưng nguồn giống bấp bênh, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng nên ông quyết định mở rộng sang lĩnh vực sản xuất, cung ứng con giống. Ông tâm sự: Muốn có thị trường ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm, phải tạo dựng được thương hiệu; muốn có thương hiệu phải có con giống tại chỗ để cung cấp. Tuy nhiên, cái khó nhất là xác định được nguồn con giống có chất lượng tốt và phù hợp với nhu cầu thị trường. Ông đã chịu khó học hỏi kỹ thuật ấp gà giống theo công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng lò ấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời đầu tư phát triển đàn gà bố mẹ, chủ động đầu vào cho lò ấp. Cơ sở luôn thực hiện nghiêm ngặt quy chế vệ sinh phòng bệnh, có 1 bác sĩ thú y chuyên theo dõi, quản lý dịch bệnh nên đàn gà phát triển tốt, bảo đảm nguồn thịt sạch, trứng sạch. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần ông đã làm chủ được công nghệ, nâng cao chất lượng, sản lượng lò ấp, đưa công suất từ 100 trứng/ca lên 2,5 vạn trứng /ca. Nắm bắt nhu cầu thị trường, mấy năm gần đây ông mạnh dạn đưa vào nuôi gà sao thịt và sản xuất thành công giống gà sao. Theo ông, nuôi gà sao khá thuận lợi cả đầu vào lẫn đầu ra vì loại gà này có sức đề kháng tốt, ít bệnh, thịt rất thơm ngon nên được tiêu thụ mạnh với giá cao hơn hẳn so với loại gà thả vườn truyền thống. Hiện, ông đang mở rộng quy mô chuồng trại, lò ấp và các công trình phụ trợ trên diện tích 5000 m2,  tiếp tục phát triển sản xuất giống gà sao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Với hệ thống chuồng trại, lò ấp quy mô, cơ sở sản xuất giống gia cầm Nguyệt Thơ trở thành điểm cung ứng gà giống, gà thịt có uy tín cho thị trường Ea Kar và các huyện lân cận. Bình quân, mỗi tháng cơ sở sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 20.000 con gà giống, 1.000 con gà thịt. Cùng với việc cung ứng con giống, ông luôn tư vấn kỹ thuật cho người chăn nuôi, từ quy trình nuôi đến phòng chống dịch bệnh, lại giúp những hộ nghèo mua con giống trả chậm nên ngày càng thu hút khách. Đặc biệt, mấy năm gần đây, cơ sở còn được chọn là điểm thực tập cho sinh viên chuyên ngành chăn nuôi của Trường Đại học Tây Nguyên. Cuối năm qua, cơ sở đã được nâng cấp lên trại giống gia cầm…, đây sẽ là điều kiện cho thương hiệu gà giống Nguyệt Thơ thêm chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Đàn gà sao giống của gia đình ông Thơ.
Đàn gà sao giống của gia đình ông Thơ.

Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh
Trên vùng đất cát pha thuộc địa bàn thị trấn Ea Knôp, anh Lương Xuân Tứ ở khối 12 đang bước đầu tạo dựng thương hiệu cho giống cây ăn trái cao sản.  Qua tìm hiểu về đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nhu cầu thị trường, anh Tứ đã đầu tư vào lĩnh vực phát triển vườn cây ăn trái. Cùng với việc tìm tòi, nghiên cứu kiến thức từ các tài liệu kỹ thuật, anh tìm đến những nhà vườn có tên tuổi ở miền Tây Nam bộ để học hỏi kinh nghiệm, liên kết cung ứng cây giống và đưa vào trồng thử nghiệm nhiều giống cây ăn trái đặc sản như xoài tứ quý, bơ tứ quý trái vụ, mít dai, ổi không hạt, sầu riêng cơm vàng hạt lép... Dần dần, anh đã vận dụng thuần thục kỹ thuật vào thực tế sản xuất, “điều khiển” được cây ra hoa, đậu quả sao cho vừa bảo đảm năng suất, chất lượng, vừa đáp ứng được thời vụ. Theo tính toán của anh Tứ, với liều lượng bón phân, tưới nước, công chăm bón, đầu tư cho cây ăn trái ít hơn trồng cà phê, tiêu mà hiệu quả kinh tế không thua kém. Còn so với loại cây ăn trái truyền thống, trên cùng một diện tích đất vườn, giống cây ghép tán thấp, ra quả trái vụ hoặc quanh năm đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Hiện trong vườn anh có hàng chục gốc xoài tứ quý ruột vàng ra trái quanh năm, trọng lượng trung bình mỗi trái từ 1,7-1,9 kg, được xem là đặc sản của nhà vườn, vừa dễ tiêu thụ vừa bán được giá. Giống mít dai trồng 8 tháng ra trái, sầu riêng cơm vàng hạt lép cây chỉ thấp lè tè mặt đất nhưng cũng cho năng suất khá cao. Cùng với việc trồng trọt, anh Tứ còn liên kết với nhà vườn có uy tín ở Bến Tre sản xuất, cung ứng nhiều loại cây giống chất lượng, tư vấn thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, chăm sóc vườn cây. “Trăm nghe không bằng một thấy”, vườn cây trái và địa điểm cung ứng cây giống của anh Tứ đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều nông dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 3000 cây giống; khách hàng mua cây giống được bảo lãnh tận vườn. Từ kết quả đó, diện tích cây ăn trái trên địa bàn đang phát triển mạnh. Hiện anh Tứ đang phối hợp HTX Hợp Nhất xây dựng thương hiệu trái cây chất lượng cao, phát triển vùng chuyên canh cây trái trên địa bàn. 

Cùng với ý tưởng xây dựng thương hiệu cho nông sản, người dân xã Ea Kmút (Ea Kar) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dựa trên đặc điểm thổ nhưỡng và nắm bắt nhu cầu thị trường,  xã đã phát triển vùng rau an toàn với diện tích hơn 70 ha, tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật từ khâu quy hoạch đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... Hầu hết các hộ trồng rau đều sử dụng nguồn phân bón hữu cơ sạch vừa bón rau vừa cải tạo đất nên có thể luân canh mỗi năm 8-9 vụ, đạt tổng sản lượng hàng trăm tấn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương, mà còn xuất sang các tỉnh lân cận. Bên cạnh mô hình trồng rau, mô hình trồng cỏ nuôi bò cũng phát triển. Xã liên kết với Trường Đại học Tây Nguyên, vận động các hộ trồng giống cỏ công nghiệp chất lượng cao, mỗi hộ trồng từ 200 - 300 m2, đủ nuôi từ 2 - 4 con bò; hộ có số lượng đàn bò nhiều trồng trên 1 ha. Nhờ chủ động nguồn thức ăn xanh, đàn bò phát triển nhanh chóng với hàng trăm con bò thịt, bò sinh sản. Nhiều hộ trồng cỏ để bán với lượng cỏ giống bán ra hơn 200 tấn, cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với trồng các loại hoa màu và cà phê. Mô hình trồng rau an toàn và trồng cỏ nuôi bò đã giúp nhiều hộ gia đình ở đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Địa phương đang triển khai việc thành lập Hợp tác xã trồng rau và Hợp tác xã chăn nuôi bò nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, giúp nông dân mạnh dạn mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần tạo dựng thương hiệu “Rau Ea Kmút” và “Bò thịt Ea Kar”…

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc