Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân xã Ea Kmút (huyện Ea Kar): Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

10:19, 28/10/2011

Tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham quan học tập các mô hình, thành lập câu lạc bộ khuyến nông, hợp tác xã nông nghiệp, vận động giúp nhau về vốn, giống, phân bón, ngày công… là những cách làm thiết thực được Hội Nông dân (HND) xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) triển khai trong nhiều năm qua nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi. Từ đó xuất hiện những cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất – kinh doanh giỏi.

Vốn xuất thân từ nông dân nên khi đặt chân vào vùng đất Dak Lak, có ít vốn nào anh Đặng Văn Chung ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút) đều dồn cả để mua đất trồng hoa màu. Loay hoay chuyển đổi hết từ trồng các cây họ đậu sang trồng ngô đến cả cây bông vải nhưng cũng chỉ đủ ăn, đó là chưa kể đến những năm hạn hán, mất mùa. Nắm bắt được đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Tây Nguyên, anh mạnh dạn học tập kỹ thuật trồng các loại cây công nghiệp và quyết định cải tạo lại toàn bộ diện tích đất hiện có của gia đình để trồng điều, cà phê. Sau một lần được HND xã mời tham dự hội thảo trồng cây ca cao dưới tán điều, anh Chung quyết định thử nghiệm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm năm 2007 gia đình anh đã trồng xen canh thành công 1.000 cây ca cao trong vườn điều rộng 3 ha và hiện ca cao đã cho thu hoạch với sản lượng 1 tấn hạt khô/năm. Xác định làm nông nghiệp muốn thành công phải đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phòng tránh rủi ro nên song song với việc phát triển trồng trọt, gia đình anh còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi 20 con heo nái và hàng trăm heo thịt. Đến nay, với 2 ha cà phê cho thu hoạch năm thứ 2; 3 ha điều trồng xen canh ca cao; 3,5 sào lúa 2 vụ; chăn nuôi heo và kinh doanh nông sản, mỗi năm gia đình anh thu lãi 300 triệu đồng. Trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, anh Chung cho biết, trồng trọt và chăn nuôi luôn hỗ trợ rất đắc lực cho nhau. Phế phẩm chăn nuôi sau khi được xử lý qua hệ thống biogas không chỉ dùng để thắp sáng, nấu bếp mà còn được ủ với vỏ cà phê thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh cũng giảm được 30% chi phí đầu tư. Điều đáng nói, mô hình trồng xen canh cây ca cao dưới tán điều của gia đình anh Chung đã được HND xã chọn làm điểm để tổ chức cho hội viên tham quan học tập và nhân rộng. Đến nay, 80% diện tích trồng điều (khoảng 220 ha) của xã đã được trồng xen cây ca cao.

Gia đình anh Đặng Văn Chung là một trong những hộ tiên phong thực hiện  mô hình trồng cây ca cao xen canh trong vườn cà phê ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar).
Gia đình anh Đặng Văn Chung là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình trồng cây ca cao xen canh trong vườn cà phê ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar).
Với lợi thế của địa phương có hơn 2.400 ha đất nông nghiệp, để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, HND xã Ea Kmút luôn xác định vai trò tiên phong của mình trong việc tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình điểm giúp hội viên thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý. Để thiết thực hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ HND xã đã chủ động phối hợp với các trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật của huyện và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng xây dựng, phát hiện những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, gương nông dân điển hình tiên tiến để tuyên truyền, giới thiệu cho nông dân trong xã học tập, áp dụng. Đồng thời, Hội thường xuyên tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình nuôi nhím, gà thả vườn, trồng chanh dây, tiêu, bơ cao sản, trồng cỏ nuôi bò, ghép cải tạo vườn cà phê ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nắm bắt khó khăn lớn nhất của hội viên là vốn đầu tư, Hội đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 6 tỷ đồng, chủ động xây dựng quỹ chi hội được 125 triệu đồng, tín chấp với các doanh nghiệp cho nông dân mua hàng trăm tấn phân bón trả chậm, vận động hội viên có kinh tế khá giúp hội viên nghèo trên 3 tỷ đồng lãi suất thấp, hàng nghìn cây, con giống các loại… để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất chăn nuôi. Ngoài ra, Hội chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình trồng cỏ nuôi bò cho 25 hộ, nuôi gà thả vườn cho 120 hộ, nuôi gà theo hướng công nghiệp cho 8 hộ, vận động nông dân trồng xen canh ca cao dưới tán điều… Nhờ đó, từ năm 2005 đến nay, nông dân trong xã đã chuyển đổi trên 350 ha cà phê già cỗi kém hiệu quả sang trồng bơ cao sản, rau xanh, trồng cỏ nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với những diện tích cà phê trong thời kỳ kinh doanh, Hội phối hợp với các ngành hữu quan hướng dẫn nông dân thực hiện kỹ thuật ghép cành, đầu tư thâm canh theo hướng thực hành nông  nghiệp tốt nên năng suất cũng đạt khoảng 3,5 tấn nhân/ha. Cùng với các hoạt động trên, HND xã tích cực vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế hợp tác, phối hợp thành lập 4 câu lạc bộ khuyến nông, 1 câu lạc bộ trồng ca cao, 1 hợp tác xã rau sạch với diện tích canh tác 85 ha, thu nhập bình quân của các xã viên đạt 7 triệu đồng/tháng. Với những hình thức hoạt động đa dạng và phong phú như trên đã góp phần động viên, khích lệ hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Hội viên đã phát huy được nội lực, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, khai thác tiềm năng đất đai, thế mạnh của địa phương, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, số hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp không ngừng tăng lên, cuối năm 2010 có 809 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, tăng 209 hộ so với năm 2007. Mức thu nhập bình quân của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi từ 70 triệu đồng đến trên 400 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Hoàng Đình Doanh, Chủ tịch HND xã khẳng định, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng đa cây, đa con, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Nông dân không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình mình mà còn đóng góp tiền và ngày công nâng cấp đường giao thông nông thôn, sửa chữa cầu, kênh mương, ủng hộ quỹ xóa nhà tạm, đền ơn đáp nghĩa… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc