Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Nhìn từ chiến lược phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài

10:46, 07/10/2011

Trong những hội thảo gần đây về vấn đề cạnh tranh do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương),Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các luật sư trong và ngoài nước luôn khuyến cáo doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần cẩn trọng và có cái nhìn chiến lược trong quá trình phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài.

Gian nan “cuộc chiến pháp lý” giành lại thương hiệu
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, DN Việt Nam đã và sẽ gặp nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thương trường thế giới. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam bị nhái, hoặc bị một đơn vị khác đăng ký sở hữu và được bảo hộ ở nước ngoài. Cứ mỗi lần như vậy, các DN Việt phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc, công sức mới có thể đòi lại được quyền sở hữu chính đáng và hợp pháp của mình.

Vụ kiện đòi lại thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” tại Trung Quốc cách đây hơn 10 năm là một minh chứng. Khi phát hiện thương hiệu kẹo dừa Bến Tre của  Công ty Đông Á (Bến Tre) bị Công ty Rừng Dừa của Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc, giám đốc Công ty Đông Á đã mất gần 1 năm trời ròng rã đi kiện đòi lại thương hiệu. Bà đã thu thập đầy đủ hồ sơ hợp pháp cho thương hiệu như căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, “gõ cửa” khắp các cơ quan chức năng của Trung Quốc để chứng minh quyền sở hữu. Cuối cùng,  cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp bằng độc quyền sáng chế nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre cho Công ty Đông Á, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời xác nhận sản phẩm của Công ty Rừng Dừa là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành.

Vụ Công ty Cà phê Trung Nguyên kiện đòi lại  thương hiệu “Cà phê Trung Nguyên” tại Mỹ cũng mất 2 năm ròng rã. Khi Công ty này muốn phát triển thị trường sang Mỹ thì phát hiện Công ty Rice Field của Mỹ đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cà phê Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO). Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt, Công ty cà phê Trung Nguyên nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Mỹ và với WIPO; mặt khác tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field. Kết quả, WIPO đã rút lại sự chấp nhận bảo hộ thương hiệu “Cà phê Trung Nguyên” của Công ty Rice Field.

Tương tự, nhiều DN phải “đau đầu” khi tham gia “cuộc chiến pháp lý” giành lại thương hiệu của mình đã bị DN nước ngoài chiếm đoạt, như Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đòi lại thương hiệu Vinataba bị Công ty Sumatra (trụ sở chính tại Indonesia) đăng ký bảo hộ tại thị trường Lào và Campuchia; Vifon phải mất hơn một năm và chi phí gần 10.000 USD để lấy lại thương hiệu của mình tại Mỹ; Công ty Cầu Tre kiện lấy lại thương hiệu của mình tại Singapore, Malaysia cũng khá tốn kém…

Hầu hết nhãn hiệu hàng hóa của DN vừa và nhỏ chưa được đăng ký và cấp bảo hộ độc quyền.
Hầu hết nhãn hiệu hàng hóa của DN vừa và nhỏ chưa được đăng ký và cấp bảo hộ độc quyền.
Chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Rút kinh nghiệm, một số DN đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu ở nhiều quốc gia khác nhau mặc dù rất tốn kém, kể cả tại các thị trường mà họ chỉ mới xác định là thị trường tiềm năng. Hiện Trung Nguyên đăng ký ở Trung Quốc, Singapore, Pháp, Canada, mỗi nước chi phí khoảng 4.000-5.000 USD. Vifon Việt Nam đăng ký trên 20 nước, trong đó hơn một nửa là thị trường mới bắt đầu có khách hàng, chưa phát triển.
Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn chưa được DN trong nước quan tâm đúng mức. Do đó, vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng  bị DN nước ngoài “hớt tay trên” quyền sở hữu thương hiệu. Gần đây, xảy ra vụ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị DN Trung Quốc đăng ký và được bảo hộ độc quyền tại nước này; tiếp đến, thương hiệu nước mắm Phú Quốc bị DN Hồng Kông đăng ký bảo hộ.  Đáng lưu ý, đây là 2 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã được đăng ký bảo hộ trong nước. Nếu như trước đây, các vụ mất quyền sở hữu nhãn hiệu ở nước ngoài thường rơi vào một DN với nhãn hiệu cụ thể, tức là quyền lợi thường chỉ ảnh hưởng đối với riêng DN đó, nên DN có thể chủ động theo đuổi tranh chấp tới cùng. Nhưng lần này, với những nhãn hiệu chung cho một địa danh, một vùng nguyên liệu của nhiều nhà sản xuất khác nhau, thì vấn đề sẽ phức tạp hơn. Chuyện nhãn hiệu Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài không còn là chuyện riêng đối với một DN cụ thể nào, mà cần được nhìn nhận rộng hơn cho cả một vùng nguyên liệu, thậm chí là của quốc gia. Theo ông Trần Việt Hùng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay có một số CDĐL thuộc về quyền của chính quyền địa phương, thông qua các hiệp hội và một số tổ chức nên việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể chưa nhanh nhạy. Cơ quan chức năng sẽ có biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc bảo hộ ra nước ngoài của những loại nhãn hiệu như vậy.

Theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ, tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ, “đánh cắp” thương hiệu là vấn đề DN sẽ còn gặp phải trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Khi mất quyền sở hữu nhãn hiệu, DN không chỉ mất thị trường, hàng thật biến thành hàng giả vì nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ bởi một đơn vị khác ... mà còn ảnh hưởng lâu dài tới uy tín, sức cạnh tranh và nhiều hệ lụy khác. Do đó, DN phải nâng cao kiến thức pháp luật, các “vũ khí” tự bảo vệ mình trên thương trường, ý thức ngay đến việc bảo vệ nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài tiềm năng. Việc tuân thủ pháp luật - vận dụng đúng các quy định về kinh doanh là một trong những bí quyết để DN tránh rủi ro và gặt hái thành công dù là thị trường trong nước hay ngoài nước. Điều kiện trước tiên để DN tự bảo vệ, tự áp dụng các biện pháp mà luật cho phép nhằm bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ là phải có sự đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp tại cơ quan thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ thông tin và hiểu biết để có thể bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của mình trên thị trường thế giới, nhất là các sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông sản thực phẩm. Do đó, rất cần những chính sách, hỗ trợ, cung cấp thông tin từ phía cơ quan chức  năng.

Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc